Khánh Hòa ‘lệnh’ chặn các dự án BĐS du lịch chuyển nhượng sai

TPO - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa "lệnh" siết chặt việc các doanh nghiệp chuyển nhượng dự án bất động sản (BĐS) du lịch không đúng quy định trên địa bàn. Trong đó, có việc lợi dụng thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn để chuyển nhượng dự án...
Ngăn ngừa chuyển nhượng dự án BĐS du lịch sai quy định
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh vừa có văn bản số 12143/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, văn bản của người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ, nhằm tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn, tỉnh này yêu cầu các sở ban ngành kiểm tra rà soát các quy định hiện hành và các vướng mắc trong thực tế để nghiên cứu tham mưu bãi bỏ các quy định liên quan không còn phù hợp và xây dựng quy định mới để thống nhất thực hiện.
Khánh Hòa ‘lệnh’ chặn các dự án BĐS du lịch chuyển nhượng sai ảnh 1 Khánh Hòa ‘lệnh’ ngăn chặn những dự án BĐS du lịch chuyển nhượng sai quy định. Trong đó, có việc lợi dụng thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn để chuyển nhượng dự án...
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, việc quản lý, theo dõi, xử lý vi phạm, chấm dứt dự án, thu hồi chủ trương quyết định đầu tư lưu ý đến 4 nội dung cơ bản như: Cơ sở pháp lý, trình tự thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng đối với hồ sơ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; Biểu mẫu, nội dung của quyết định chủ trương đầu tư; Xử lý, giải quyết đề xuất của doanh nghiệp về giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án và điều chỉnh dự án và cuối cùng là nội dung theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngăn ngừa chuyển nhượng những dự án BĐS du lịch không đúng quy đinh.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Kế hoạch- Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.
Ngoài ra, trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, yêu cầu Sở này phải kiểm tra lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.
Lo ngại tăng trưởng "nóng" BĐS du lịch
Trao đổi với PV về "lệnh" trên, một cán bộ có trách nhiệm cho hay, việc UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách đối với lĩnh vực du lịch, BĐS nghỉ dưỡng trên địa bàn là cần thiết. "Thời gian qua trên địa bàn đã xảy tình trạng chuyển nhượng, mua bán dự án BĐS du lịch chưa đúng quy định, việc phát triển ồ ạt nhiều dự án BĐS du lịch cũng để lại nhiều vấn đề cần phải tăng cường công tác quản lý", vị này nói.
Khánh Hòa ‘lệnh’ chặn các dự án BĐS du lịch chuyển nhượng sai ảnh 3 Mới đây, UBND TP Nha Trang cũng đã có văn bản kiến nghị tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc thỏa thuận phương án kiến trúc đối với các công trình khách sạn cao tầng do nhiều hệ lụy.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng các dự án BĐS du lịch, các công trình khách sạn, mới đây UBND TP Nha Trang cũng đã có văn bản kiến nghị tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc thỏa thuận phương án kiến trúc đối với các công trình khách sạn cao tầng cho đến khi quy định quản lý quy hoạch kiến trúc tại thành phố này được ban hành. 
Theo UBND TP Nha Trang, thành phố đang tiếp nhận và tham gia góp ý thỏa thuận phương án quy hoạch kiến trúc các công trình khách sạn trên địa bàn thành phố với số lượng ngày một tăng và đa phần tập trung tại khu vực các phường nội thành, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng để quản lý. Đặc biệt, hiện nay đa phần các khách sạn được xây dựng tại khu vực đô thị hiện hữu, tập trung đông dân cư và hạ tầng kỹ thuật ổn định. Do đó, việc hình thành các công trình cao tầng gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông trong khu vực, nhất là các tuyến đường hẻm.
UBND TP Nha Trang cũng cho biết, qua khảo sát hiện nay trên địa bàn thành phố đã có nhiều khách sạn, nhà cao tầng xây trong các tuyến hẻm không đảm bảo về giao thông tiếp cận công trình, phòng cháy chữa cháy, cấp điện trung thế, thoát nước thải... vì thế nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì rất khó ứng cứu.
Việc UBND TP Nha Trang đề nghị tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc thỏa thuận phương án kiến trúc đối với các công trình khách sạn cao tầng nhiều chuyên gia cho rằng đây là động thái cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đến bây giờ UBND TP Nha Trang mới lên tiếng là hơi muộn. "Nếu thực hiện theo đúng các quy định về quy hoạch xây dựng và quy định của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch TP Nha Trang thì lẽ ra đề nghị trên phải thực hiện từ lâu, chứ không phải để đến bây giờ", một vị kiến trúc sư TP Nha Trang nói.

Nguy cơ "vỡ trận" condotel 

Theo dự kiến năm 2019-2020, TP Nha Trang và khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (khu Bãi Dài) sẽ có thêm 12 dự án condotel với hơn 12.200 căn hộ rao bán trên thị trường. Trong khi chỉ trong quý III/2018, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hàng loạt dự án chào bán với trên 1.000 căn hộ du lịch (condotel), nâng số căn hộ rao bán ở TP Nha Trang lên 12.000. Thế nhưng, tỉ lệ giao dịch thành công từ các dự án mới chỉ đạt khoảng 20%. "Việc phát triển nóng BĐS du lịch nếu không có biện pháp quản lý sẽ để lại nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, đặc trưng của dự án condotel là vốn tự có của doanh nghiệp chỉ một phần, phần còn lại huy động từ nhà đầu tư thứ cấp (người dân). Vì vậy, nếu sản phẩm không bán được thì nguy cơ dự án bị đình trệ rất cao và rủi ro sẽ thuộc về khách hàng.. Ngay cả khách hàng dùng căn hộ condotel để vay tiền cũng không dễ vì khung pháp lý của căn hộ này chưa chặt, dễ nảy sinh tranh chấp quyền lợi" - vị chuyên gia tài chính cảnh báo.

MỚI - NÓNG