Một cặp song sinh bị sạn thận do uống sữa Tam Lộc tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Vụ bê bối "sữa bẩn" nhiễm melamine bùng nổ năm vừa qua khiến 290.000 trẻ em Trung Quốc mắc bệnh và ít nhất có 6 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, cho đến khi kết quả nghiên cứu trên được công bố, giới khoa học chưa khẳng định mối liên quan thực sự giữa melamine với các vấn đề về thận.
Các nhà khoa học ở trường đại học Hồng Công đã xem xét kỹ mẫu xét nghiệm của 15 trẻ em từ Trung Quốc đại lục dưới 3 tuổi có tiền sử sử dụng sữa nhiễm malamine và bị sạn thận, so sánh với 20 trẻ em ở Hồng Công cũng dùng "sữa bẩn" nhưng không bị bệnh. Kết quả cho thấy hàm lượng melamine trong nước tiểu của những trẻ sử dụng "sữa bẩn" tương xứng với kích cỡ của sỏi thận.
Nhà nghiên cứu Lâm Chinh Oan (Lam Ching-wan) thuộc nhóm trên cho biết họ cũng đã xác định được hàm lượng melamine an toàn đối với cơ thể con người.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học đưa ra một ngưỡng giới hạn về melamine, cụ thể nhóm khoa học này xác định hàm lượng an toàn tối đa là 7,1 microgram trên một milimol creatinine trong nước tiểu. Nếu vượt mức trên sẽ có nguy cơ bị sạn thận. Tuy nhiên, các nhà khoa học không xác định chính xác sử dụng bao nhiêu "sữa bẩn" dẫn đến hàm lượng melamine trên.
Nhờ nghiên cứu này, việc xét nghiệm trẻ có bị sạn thận hay không sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sau vụ bê bối "sữa bẩn", những trẻ bị nghi ngờ mắc bệnh phải làm xét nghiệm máu hoặc siêu âm để tìm sạn thận, nay chỉ cần xét nghiệm nước tiểu để xác định lượng melamine.
Theo TTXVN