Khẩn trương hoàn thiện biểu đồ nhu cầu tiêu thụ than

Khẩn trương hoàn thiện biểu đồ nhu cầu tiêu thụ than
Nhu cầu than liên tục tăng cao so với khả năng tăng sản lượng của ngành Than đang đặt ra cho TKV những khó khăn nhất định.

8 tháng đầu năm, cung cấp 27,86 triệu tấn than sạch

Thời gian qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu sử dụng than tăng đột biến trong khi điều kiện khai thác và khả năng tăng sản lượng ngày càng khó khăn, song TKV vẫn nỗ lực thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong sản xuất và cung ứng than cho nền kinh tế theo thứ tự ưu tiên cung cấp than lần lượt là các hộ sản xuất điện, sản xuất phân bón, hoá chất, xi măng… và các hộ tiêu thụ khác.

“TKV đã và đang thực hiện tốt công tác cung ứng than với quyết tâm không để các hộ tiêu thụ thiếu than”, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải khẳng định.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm, TKV đã tiêu thụ 27,86 triệu tấn, bằng 77,4% kế hoạch, tăng 5,5 triệu tấn và bằng 125% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trong nước đạt 26,58 triệu tấn, đạt 77,9% kế hoạch năm và bằng 124% so với cùng kỳ năm 2017 (hộ điện: 20,25 triệu tấn, đạt 76,4% kế hoạch, bằng 117% cùng kỳ; hộ đạm: 1,28 triệu tấn, đạt 76,6% kế hoạch, bằng 121% cùng kỳ; hộ xi măng: 1,70 triệu tấn, đạt 71% kế hoạch, bằng 157% cùng kỳ; hộ khác: 3,33 triệu tấn đạt 94,5% kế hoạch bằng 168% cùng kỳ; xuất khẩu: 1,28 triệu tấn, đạt 67,8% kế hoạch năm và bằng 143% so với cùng kỳ năm 2017).

Khó khăn hiện hữu

8 tháng đầu năm, cung - cầu than trong nước được thực hiện đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhu cầu than liên tục tăng cao so với khả năng tăng sản lượng của ngành Than đang đặt ra cho TKV những khó khăn nhất định.

“Nếu năm 2017, TKV tiêu thụ 35 triệu tấn than thì năm 2018 tăng lên khoảng 39 - 40 triệu tấn và dự báo năm 2019 sẽ ở mức 41 triệu tấn than sạch. Trong khi để đầu tư xây dựng mới mỏ cần nhiều thời gian, chi phí trong khi công tác cấp phép thăm dò, giấy phép khai thác rất chậm. Bên cạnh đó, giá than thế giới đang có chiều hướng tăng và hiện đang cao hơn than trong nước từ 15-20% nhưng giá bán than trong nước không tăng, gây áp lực lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành Than”, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết.

Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng dài hạn giữa đơn vị cung ứng và hộ tiêu thụ đang có những bất cập, nhất là công tác rà soát, xây dựng biểu đồ nhu cầu than chưa sát thực tế khiến TKV bị động trong kế hoạch sản xuất, nhập khẩu và cung ứng than. Hơn nữa, quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BCT liên quan đến việc phân tách giá bán than và giá thành vận chuyển than đang gây khó khăn cho công tác đấu thầu vận chuyển than, làm chậm tiến độ thực hiện hợp đồng cung ứng than giữa đơn vị cung ứng và các khách hàng.

Khẩn trương hoàn thiện biểu đồ nhu cầu than

Đã xuất hiện những điểm “vênh” giữa cung - cầu than và nếu tình trạng này chưa có lời giải ngay sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cả hai bên.

Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc họp về tình hình cung ứng than cho sản xuất do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng An chủ trì. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng An chỉ đạo: “Ngành Than phải cung ứng đủ than cho các ngành công nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung và các hộ tiêu thụ phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của người mua và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm”.

Theo đó, đến hết năm 2018, các đơn vị liên quan phải phối hợp với các cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương hoàn thiện biểu đồ nhu cầu tiêu thụ than trung và dài hạn làm cơ sở để các bên ký kết hợp đồng dài hạn, ít nhất là 5 năm. Biểu đồ này phải thể hiện chi tiết khả năng cung ứng, nhu cầu sử dụng than, đồng thời, trong các hợp đồng dài hạn phải xác định rõ số lượng, chủng loại cũng như kế hoạch cung ứng, tiếp nhận than để các bên chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.

Đối với những khó khăn, vướng mắc tại Thông tư số 13/2017/TT-BCT, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo chi tiết những bất cập, báo cáo Bộ Công Thương xem xét sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác cung ứng, tiếp nhận than trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG