Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Thái (51 tuổi) con thứ sáu của bà Phạm Thị P. (83 tuổi, người tử vong nghi do uống sữa) cho biết, ngày 14/10, gia đình phát hiện ông Phạm Văn Y. (45 tuổi, em trai ông Thái) tử vong khi đang ngủ.
Sau khi thông báo cho mọi người trong gia đình, nghĩ ông Y. tử vong vì trúng gió, gia đình tổ chức làm đám tang cho ông Y. mà không báo cơ quan công an.
Tối 14/10, bà Phạm Thị P. đói bụng nên bảo bà Phạm Thị Mỹ C. (con gái bà P.) pha cho 100ml sữa để uống.
Sau khi uống sữa xong, bà P. đột nhiên xanh xao, miệng chảy nước bọt, tay chân co giật, tiểu mất tự chủ nên gia đình gọi tổ y tế bên nhà qua sơ cứu. Tuy nhiên tình trạng không cải thiện nên gia đình đưa bà P. đi bệnh viện cấp cứu.
"Khi đi tới giữa cầu Mỹ Thuận, mẹ tôi có dấu hiệu không qua khỏi nên gia đình đã đưa bà đến Trung tâm y tế TP Vĩnh Long. Tại đây, bác sĩ bảo không thể cứu chữa, gia đình đành đưa về an táng", ông Thái nói.
Công an đang điều tra, làm rõ vụ chết người nghi do ngộ độc sữa ở Tiền Giang. Ảnh: CTV. |
Đến sáng 15/10, ông Phạm Minh T. (55 tuổi, con thứ 4 của bà P.) cũng đói bụng nên pha sữa uống và gặp các triệu chứng tương tự như bà P.. Từ đây, mọi người bắt đầu nghi ngờ sữa có vấn đề và trình báo công an.
Ông T. được gia đình nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Triều An - Loan Trâm ở tỉnh Vĩnh Long, sau đó chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu. Tình trạng ông T. chuyển biến xấu nên gia đình đã chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) điều trị.
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ông T. được chuyển đến trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là ngộ độc cấp dẫn đến suy đa tạng.
Nhân chứng cho biết, loại sữa bà P., ông T. và ông Y. uống là sữa bột, trọng lượng 900g. Hộp sữa do người con bà P. đi làm ở TPHCM mua gửi về. Bà P. đã uống sữa khoảng 10 ngày. Thời hạn sử dụng hộp sữa đến năm 2025.
Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Bè đã phối hợp với với các cơ quan chức năng địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết tử thi, thu giữ các đồ vật, tài liệu liên quan và làm việc với những người trong gia đình bà P. để thu thập thông tin vụ việc.
Theo lãnh đạo Công an huyện Cái Bè, đây là vụ việc có tính chất phức tạp, chưa có căn cứ xác định nguyên nhân dẫn đến chết người nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Bè đã báo lên Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đề xuất cử phòng nghiệp vụ hỗ trợ công an huyện xác minh, điều tra.
Chiều 16/10, các cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang đã gửi mẫu sữa liên quan vụ việc này đến Phân viện pháp y Trung ương tại TP HCM để giám định.
Liên quan vụ việc này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở phối hợp với cơ quan quản lý ở địa phương tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ; kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương). Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.