Khan hiếm lao động biển

Khan hiếm lao động biển
TP - Một số ít tàu ra khơi thẳng tiến Trường Sa, Hoàng Sa ngày 8 tháng Giêng, số còn lại đang chờ ngày đẹp sau rằm Nguyên tiêu, nhưng thiếu bạn thuyền đang là nỗi lo lớn của nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ.

> Đào tạo nghề 7.000 lao động trên biển
> Lập thêm nghiệp đoàn khai thác hải sản

Đỏ mắt ngóng thuyền viên

Neo đậu từ trong tết âm lịch, ấn định ngày ra khơi sẽ là sau rằm tháng Giêng, nhưng tàu ĐNa 90019 của thuyền trưởng Hồ Văn Anh (Xuân Hà - Thanh Khê, Đà Nẵng) vẫn đang phấp phỏng vì một lý do duy nhất: Thiếu bạn thuyền. Hành nghề câu mực xa bờ, tàu của thuyền trưởng Anh thường cần tới 35-40 bạn thuyền, nhưng bởi khan hiếm nên đành phải rút xuống còn 23 thuyền viên.

Đồng nghĩa với việc rút gọn hải trình, giảm tham vọng đánh bắt ngư trường lớn. “Hầu như tất cả đều người xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Nhưng bây giờ, họ cũng không còn mặn mà nữa. Bạn thuyền Đà Nẵng thì chịu rồi, đỏ mắt tìm không thấy, ngoại trừ anh em bà con trong gia đình” - thuyền trưởng Anh nói.

Tàu ĐNa 90098 công suất 600 CV của thuyền trưởng Trần Tiến Hồng (Xuân Hà, Thanh Khê) cần 35 lao động cho hơn một tháng trên biển, nhưng tìm mãi mới được mấy người ở Bình Minh, cộng với anh em bà con được 28 người. Năm ngoái, tàu này chưa có chuyến nào làm hết công suất.

Theo anh Hồng, nghề câu mực mỗi người một thúng nên không thể nào lấy ít bù nhiều. “Giỏi mấy thì cũng chỉ năng suất là một người, nhiều khi gặp đúng vùng biển nhiều mực, nghĩ đến việc thiếu thuyền viên mà ứa nước mắt” – anh Hồng kể.

Hiện tại, ở Đà Nẵng chỉ duy nhất một tàu câu mực tìm đủ số người cần thiết, đó là tàu ĐNa 90567 của thuyền trưởng Trần Văn Mười (Mân Thái, Sơn Trà).

“Trong số 45 lao động thì có tới 40 người là dân Bình Minh rồi. Tui cũng phải vô tận nhà mấy bạn thuyền, vừa thuyết phục, vừa vạch ra chế độ đãi ngộ, lương bổng chia chác mãi họ mới chịu. Khoảng ngày 16 âm lịch này sẽ nhổ neo đi Hoàng Sa” - anh Mười kể.

Các loại hình đánh bắt khác như giã cào, lưới vây, lưới cản... mỗi tàu chỉ cần 10 - 12 lao động nhưng cũng phải cạnh tranh nhau quyết liệt để giữ lao động.

Thống kê của quận Thanh Khê, mới chỉ có 3 tàu trên hơn 50 tàu đánh bắt xa bờ khởi hành ra Hoàng Sa từ mùng 8 - 10 âm lịch.

“Tất cả đều chờ sau lễ cầu ngư, một phần tâm linh, một phần vì đang đợi bạn thuyền” - ông Đặng Phước Tuấn - Phó phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết.

Người già đi biển

Ông Lương Hữu Trúc - Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho hay, điều băn khoăn nhất bây giờ chính là sự chuyển biến trong suy nghĩ của đa số thuyền trưởng, những người đã trưởng thành. “Họ (chủ tàu, thuyền trưởng) không muốn hướng con, em mình ra khơi nữa. Ai cũng muốn kiếm nghề êm ấm trên bờ”.

Theo ông Đặng Phước Tuấn, hiện lao động đánh bắt xa bờ của quận Thanh Khê là gần 1.100 người, trong đó đa số là người Quảng Nam.

Đặc biệt, độ tuổi bạn thuyền dưới 23 tuổi là rất hiếm, mỗi tàu chỉ độ 2-3 người, còn lại đa số tuổi trung niên, từ 35 - 45 tuổi và thậm chí 50-70 tuổi vẫn bám biển.

“Đó là một con số đáng báo động khi thanh niên ngày càng cạn đam mê nghề biển” - ông Tuấn nói.

Sau cơn bão Chan Chu (2006), quận Thanh Khê với sức hút gần 4 ngàn lao động biển, dần dần chỉ còn hơn 1.100 như hiện nay, với lý do tàu giảm và bạn thuyền không còn mặn mà, đặc biệt người trẻ.

“Thu nhập ngày càng bấp bênh, biển khơi thì lắm hiểm nguy, nên hầu như con em ngư dân dưới 25 tuổi ở quận nói chung và Đà Nẵng nói riêng chuyển nghề hết. Hy vọng với những chính sách khuyến khích đóng tàu, hỗ trợ của thành phố và những chuyến biển bạc tỷ, người lao động sẽ suy nghĩ lại”, ông Tuấn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG