Khẩn cấp ứng phó với siêu bão Noru: Miền Trung hối hả tránh trú

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðể chủ động phòng chống bão số 4 (bão Noru) được dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung, từ sáng sớm ngày 25/9, chính quyền và người dân sống dọc bờ biển đã chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó.
Khẩn cấp ứng phó với siêu bão Noru: Miền Trung hối hả tránh trú ảnh 1
Lực lượng biên phòng giúp ngư dân Quảng Ngãi neo tàu thuyền chống bão. Ảnh: PV

Ðà Nẵng dừng các cuộc họp

Tại âu thuyền Thọ Quang, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đã được lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ neo đậu trú tránh bão hết sức khẩn trương. Tàu thuyền được chằng níu đúng vị trí, đảm bảo khoảng cách an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.

Tại khu vực vịnh Mân Thái, quận Sơn Trà, đến chiều ngày 25/9, ngư dân đã di chuyển gần hết thuyền, thuyền thúng, ghe gắn máy cùng ngư lưới cụ lên bờ.

Tại khu vực cầu cảng CT.15 trong ngày, hàng chục lượt tàu thuyền đã được cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng CT.15 (Đồn Biên phòng Sơn Trà) hướng dẫn di chuyển neo đậu trú bão. Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng đã hỗ trợ nhiều ngư dân cẩu các thuyền, thúng lên xe cẩu để đưa vào tập kết ở các khu đất trống cao ráo để tránh bão.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng vừa ra công điện khẩn, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch các quận, huyện tập trung triển khai các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn năm 2022. “Các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng ứng phó với bão”, công điện nêu rõ.

Trong ngày, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão tại những khu vực xung yếu, nguy cơ cao. Ông Sơn yêu cầu các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét...

Chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng phối hợp các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Khuyến cáo người dân thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

TT-Huế lên phương án di dời 100.000 dân

Ngày 25/9, tỉnh TT-Huế thực hiện lệnh cấm biển đối với tất cả các phương tiện tàu thuyền khai thác, đánh bắt trên biển và vùng đầm phá, nhằm chủ động phòng tránh bão Noru. Các địa phương trong tỉnh đã lên phương án di dời gần 100.000 người dân vùng xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế, trên địa bàn hiện có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Từ ngày 24/9, tỉnh bắt đầu kêu gọi các tàu, thuyền vào bờ, sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động lực lượng hướng dẫn sắp xếp hàng ngàn phương tiện vào khu neo đậu tránh bão tại các cảng cá Thuận An, Tư Hiền, khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế, đến chiều 25/9, toàn tỉnh còn 6 phương tiện chưa vào bờ trú tránh bão. Chậm nhất các tàu cá này sẽ vào bờ vào 7 giờ sáng 26/9. Cảng vụ Hàng hải TT-Huế đã thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, tổ chức neo đậu an toàn, tránh va trôi tàu thuyền tại các cảng biển Thuận An, Chân Mây.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão Noru, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Hoàng Hải Minh yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26/9.

Trong ngày, Sở Công Thương TT-Huế khẩn trương thực hiện phương án dự trữ về lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai, với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Quảng Nam hối hả bảo vệ di tích

Ngay khi có thông tin về bão Noru, Hội An (Quảng Nam) gấp rút huy động lực lượng chằng, chống bảo vệ các di tích. Qua khảo sát 45 di tích có nguy cơ, thì 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ.

Trong hai ngày 24 - 25/9, cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cùng các công nhân khẩn trương tập kết gỗ để chống đỡ phần thân cho di tích Chùa Cầu. Đối với Chùa Cầu luôn có riêng một bộ gỗ để thực hiện việc chống đỡ khi mưa bão. Chùa Cầu sẽ được chống đỡ 4 vị trí, sử dụng hoàn toàn gỗ và lót đệm cao su không làm ảnh hưởng kết cấu di tích.

Người dân Quảng Nam cũng đang hối hả chằng chống bảo vệ nhà cửa. Từ sáng sớm, ông Lê Văn Minh (66 tuổi, ở thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) đã huy động 5 người con cùng tham gia chằng chống nhà cửa. Các bao tải cát lấy từ bãi biển được đưa lên mái tôn để gia cố. Sau khi chèn các bao cát lên mái tôn, bố con ông Minh cẩn thận rà lại một lần nữa các mối hàn, chỗ cong vênh không cho gió luồn vào làm bung bật.

Phía đối diện, vợ chồng ông Trần Văn Năm dùng các cây sắt để chèn dưới mái tôn, phía trên đặt các bao cát. Ông Năm còn lấy dây thừng buộc vào các mối để thêm chắc chắn. “Năm ngoái bão cuốn phăng cả mái tôn này, năm nay gia cố cho kĩ mà không biết giữ được không. Cơ khổ với bão”, ông Năm chia sẻ.

Tỉnh Quảng Nam đã lên phương án di dời người dân và du khách đối với 2 tình huống là bão mạnh và siêu bão. Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ tổ chức sơ tán trên 182 ngàn người, trong đó di dời tại chỗ gần 60 ngàn người; đối với tình huống là siêu bão, sẽ sơ tán khoảng 400 ngàn người.

Khẩn cấp ứng phó với siêu bão Noru: Miền Trung hối hả tránh trú ảnh 2

Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi giúp ngư dân neo cột tàu thuyền tránh bão Noru. Ảnh: TTXVN

Ngư dân Quảng Ngãi khẩn cấp vào bờ bán cá

Ngày 25/9, hàng trăm tàu cá hối hả chạy về các cảng biển Tịnh Kỳ, Sa Kỳ, Tịnh Hòa ở TP Quảng Ngãi để tránh trú bão. Nhiều chủ tàu dự định ra khơi 20-30 ngày, nhưng chỉ mới ra khơi một tuần đã phải quay về.

Ông Phạm Thanh Tân mới xuất bến 6 ngày, khi nghe đường đi của bão Noru đã cho tàu về cảng Tịnh Kỳ để bán hải sản và neo đậu tránh trú bão. “Chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho anh em thuyền viên, đợi khi bão tan sẽ ra khơi trở lại”, ông Tân nói. Theo ông Tân, sản lượng chuyến biển này chỉ đạt hơn 1 tấn, giảm 4 lần so với chuyến biển thông thường.

Chị Phạm Thị Tươi, tiểu thương mua cá cho biết, các tàu về tránh bão đúng ngày 30 âm lịch, vì vậy khó bán hơn ngày thường, giá hải sản bị giảm nhẹ. “Đây là cơn bão lớn đầu tiên của năm, chúng tôi lo vì tàu không ra khơi thì trên bờ không có việc làm”, bà Tươi nói.

Chiều 25/9, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại Ðà Nẵng.Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Ðà Nẵng phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi bão đổ bộ, cương quyết không để ngư dân ở lại trên tàu, thuyền trước khi bão vào.

NGUYỄN THÀNH

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 5.644 phương tiện/34.467 ngư dân. Đến chiều 25/9 có hơn 5.000 tàu/28.000 ngư dân đã vào bờ neo đậu. Số phương tiện đang hoạt động trên biển là 657 tàu/6.207 ngư dân, và đã nhận được thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng.

Trung tá Lâm Văn Viễn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã liên lạc với tất cả phương tiện này và thông báo hướng đi của bão cho bà con ngư dân để chủ động vào nơi trú tránh an toàn.

Với các tàu đã về bờ neo đậu, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử lực lượng hỗ trợ ngư dân sắp xếp, neo cột tàu thuyền và phát loa kêu gọi ngư dân phòng chống bão.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo đến tối ngày 27/9 sẽ phải hoàn thành di dời, sơ tán gần 85.000 dân tại các huyện, thị ven biển đến nơi trú ẩn an toàn. Riêng vùng núi, vùng trũng thấp, tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương lưu ý sơ tán khẩn cấp, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi thông báo cho gần 280.000 học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.

MỚI - NÓNG