Khâm phục tài năng các nghệ sĩ Việt Nam

Một cảnh trong vở diễn Người đi qua thung lũng
Một cảnh trong vở diễn Người đi qua thung lũng
TP - LTS : Nhà báo Nadine Albach từ nhật báo Westfailsche Rundschau (Đức) vừa tới tòa soạn Tiền Phong trong tháng 1-2011 theo chương trình trao đổi phóng viên với Viện Goethe (www. goethe.de/closeup). Dưới đây là bài viết của Nadine Albach cho Tiền Phong từ Hà Nội.
Một cảnh trong vở diễn Người đi qua thung lũng
Một cảnh trong vở diễn Người đi qua thung lũng.

Vở nhạc vũ kịch Người đi qua thung lũng được công diễn lần đầu vào ngày 14-1 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là hoạt động kết thúc Năm Đức ở Việt Nam và kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Người đi qua thung lũng nói về Parzival, một anh hùng theo truyền thuyết từ thời Trung cổ ở châu Âu. Câu hỏi “Parzival là thủ phạm hay nạn nhân” đề cập tới cốt lõi nội dung của vở nhạc kịch. Đây là dự án trao đổi văn hóa giữa Đức và Việt Nam: nhóm sản xuất quốc tế hợp tác với hơn 100 nghệ sĩ Việt Nam.

Khác biệt

Không thể có sự tương phản hơn được nữa: ghế nhung đỏ, ban công trang trí cầu kỳ, sân khấu màu vàng, tất cả gợi nhớ tới kiến trúc thời Pháp thuộc ngay bên trong Nhà hát lớn lộng lẫy. Tuy nhiên, chiếc lò sưởi điện hiện đại đang nóng đỏ, nơi nhà biên kịch Christoph Maier-Gehring ngồi thì lại không phù hợp chút nào với cảnh vật xung quanh. Tương tự như vậy là khăn, mũ và găng tay mà các nghệ sĩ trên sân khấu khoác bên ngoài phục trang lộng lẫy của họ.

Cũng như mọi người ở Hà Nội, nhóm sản xuất Người đi qua thung lũng cũng lạnh run vì đợt rét hiếm có trong lịch sử miền Bắc Việt Nam hiện nay.

Trong Nhà hát lớn buốt lạnh, 9 độ C với độ ẩm cao, ở đây không có lò sưởi như ở Đức. Ở phía sau sân khấu, người ta vừa lắp vội sáu lò sưởi điện, “trông như một cái lều hiện đại, mọi người đều ngồi khoanh chân trước nó“, biên đạo múa Henning Paar nói. Nếu ở Đức thì chắc là nhóm sẽ từ chối làm việc trong điều kiện như thế này – giá lạnh sẽ ảnh hưởng đến giọng của ca sĩ và có thể gây nguy hiểm cho các vũ công. Còn ở đây thì mọi người chấp nhận thực tế: “Đây là vở nhạc kịch đầu tiên mà tôi đội mũ trùm đầu khi dàn dựng, nữ đạo diễn Beverly Blankenship cười và nói.

Đáng khâm phục

Trên sân khấu nhân vật Parzival do vũ công Phạm Trí Thanh và diễn viên nổi tiếng trên truyền hình Bùi Như Lai diễn xuất. Bùi Như Lai thể hiện sự đấu tranh của Parzival, khuôn mặt căng thẳng, bước chân nặng nề vì sức ép nội tâm, trong khi Phạm Trí Thanh lại mô tả trạng thái tâm hồn của người anh hùng bằng chính cơ thể của mình.

Việc các nghệ sĩ có thể diễn xuất như vậy đòi hỏi phải có quá trình tập luyện dài, bắt đầu từ tháng 11 - 2010. Đó là một thách thức đối với mọi người, không thể so sánh với điều kiện ở châu Âu, biên đạo múa Henning Paar nói về điều kiện làm việc.

Trong khi ở Đức nhà nước hỗ trợ rất nhiều tiền cho hoạt động nghệ thuật thì các chi phí sản xuất cao ở Hà Nội thường được trang trải nhờ các nhà tài trợ. Nhà hát lớn chỉ có mỗi tòa nhà mà không có nhóm sản xuất cố định – khác với ở Đức, để dàn dựng các tác phẩm thì không phải chỉ lo về các nghệ sĩ mà còn cả các phương tiện, trang thiết bị và kỹ thuật viên.

“Thực tế đòi hỏi tất người phải hết sức linh hoạt“, bà tiến sĩ Almuth Meyer-Zollitsch, viện trưởng Viện Goethe Hà Nội nói. Truyền thống biểu diễn kịch và âm nhạc cũng như đào tạo nghệ thuật khác biệt hoàn toàn: ngược lại ở châu Âu, các nhạc công của dàn nhạc Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc biểu diễn của mình – vì vậy nhạc trưởng Pierre Oser đầu tiên phải luyện để có được sự hòa hợp, một điều rất quan trọng khi biểu diễn. Trong khi ở sân khấu châu Âu thường là kết hợp giữa hát và chuyển động thì yêu cầu này lại là mới đối với dàn đồng ca và các ca sĩ hát đơn ca.

Vượt lên trên mọi sự khác biệt, “các ca sĩ đã làm được rất nhiều việc“, Pierre Oser nhận định một cách đầy ấn tượng. Nhạc trưởng Pierre Oser rất khâm phục tài năng của người Việt trong việc ứng biến, và thích ứng với các bản nhạc của ông bằng những phong cách nhạc và hình thức thể hiện khác nhau.

Năng lực và tính kỷ luật của các vũ công gây ấn tượng với biên đạo múa Henning Paar, ông sẵn sàng nhận ngay một vài người trong số họ. Beverly Blankenship, coi Việt Nam như quê hương thứ hai và rất yêu quí các nghệ sĩ. “Họ rất dũng cảm khi làm việc và tìm cách hoàn thành công việc bằng mọi giá. Họ thay đổi chúng tôi và chúng tôi thay đổi họ”.

Khác với ở châu Âu, nơi ca sĩ chỉ tập trung vào việc luyện thanh và kịch mục, thì một nhạc công của dàn nhạc ở Việt Nam với mức lương cơ bản gần 170 USD một tháng, họ còn phải làm thêm nhiều việc khác nữa nên ít có thời gian dành cho nghệ thuật.

Bà Almuth Meyer-Zollitsch tin tưởng là dự án của Viện Goethe sẽ giúp nâng cao trình độ cho các nghệ sĩ một cách bền vững nên sẵn sàng chấp nhận chi phí cao. “Đó là một điều tốt khi chúng tôi làm việc này, vì tôi biết rằng sẽ giúp ích cho các nghệ sĩ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".