Khám phá tàu Titanic ở cự ly gần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với nhiều người, nhìn thấy con tàu đắm nổi tiếng nhất thế giới là một mong muốn để đời. Và giờ đây, những nhà thám hiểm có thể trả tiền để có cơ hội nhìn thấy Titanic ở cự ly gần.

Cách thành phố St. Johns (Canada) khoảng 645km, trong vùng biển động của Bắc Đại Tây Dương, một con tàu công nghiệp lớn lắc lư từ bên này sang bên kia. Trên tàu, ông Stockton Rush chia sẻ một tầm nhìn cho tương lai: “Sẽ đến lúc con người có thể lên vũ trụ với chi phí thấp và tần suất thường xuyên. Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với việc thám hiểm dưới nước”.

Khám phá tàu Titanic ở cự ly gần ảnh 1

Xác tàu Titantic chìm dưới đáy đại dương

Ông Rush hy vọng rằng công ty OceanGate của mình sẽ thực hiện việc khám phá đại dương sâu thẳm giống như cách các nhà đổi mới như Elon Musk, Richard Branson và Jeff Bezos đang cố gắng làm với du hành vũ trụ: cho phép bất cứ ai có đủ tiền phiêu lưu tới những thế giới mới, ngay cả khi họ không được đào tạo chuyên môn.

Khám phá tàu Titanic ở cự ly gần ảnh 2

Ông Stockton Rush

Vị trí của ông Rush ở Bắc Đại Tây Dương thoạt nhìn không có gì nổi bật. Tuy nhiên, chính tại đây đã xảy ra một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử: 3.800m dưới mặt nước là xác tàu Titanic, bị chìm vào tháng 4/1912 sau khi va phải một tảng băng trôi trong chuyến hành trình đầu tiên.

Đối với ông Rush, người đang cố gắng phát triển việc thám hiểm biển sâu thành một ngành thương mại cho đại chúng, địa điểm xảy ra vụ đắm tàu nổi tiếng nhất thế giới là một “nơi bắt buộc phải đến”. “Tôi đã đọc một bài báo nói rằng có ba từ trong tiếng Anh được cả hành tinh biết đến. Đó là Coca-Cola, God (Chúa) và Titanic”, ông nói thêm.

Khám phá tàu Titanic ở cự ly gần ảnh 3

Một chiếc tàu biển lớn đưa mọi người từ St Johns, đến tọa độ của Titanic

Nhưng để biến giấc mơ Titanic của mình thành hiện thực, ông Rush đã phải tạo ra một loại tàu lặn mới làm bằng vật liệu nhẹ có thể đưa tối đa 5 người xuống đến độ sâu của Titanic. Nhiều người nghĩ rằng nó là điều bất khả thi. Tuy nhiên, giờ đây, ông Rush đã có mặt tại địa điểm (sau khi tiếp cận thành công xác tàu đắm vào năm ngoái) cùng với rất nhiều người, bao gồm đoàn thủy thủ, nhân viên của OceanGate, các nhà khoa học và một nhóm nhỏ nhưng rất quan trọng gồm các “chuyên gia nhiệm vụ” - một cách gọi khác của những nhà thám hiểm đã trả tới 250.000 USD (khoảng 5,9 tỷ VND) để có cơ hội nhìn cận cảnh Titanic.

Khám phá tàu Titanic ở cự ly gần ảnh 4

Khung cảnh qua ô cửa sổ chiếc tàu lặn

Khi ở đó, họ cũng sẽ có cơ hội giúp đỡ với tư cách là các nhà khoa học công dân, bằng cách thu thập hình ảnh và video về sự đa dạng sinh học dưới biển sâu.

Chuyến lặn đặc biệt này bao gồm nhân viên ngân hàng Renata Rojas, doanh nhân Oisin Fanning và chuyên gia truyền hình Jaden Pan, cùng với nhà hải dương học Steve Ross và phi công lặn Scott Griffith.

“Tôi không phải là triệu phú. Tôi đã tiết kiệm tiền trong một thời gian dài. Tôi đã hy sinh rất nhiều thứ trong đời để có thể đến được Titanic. Tôi không có ô tô, tôi chưa kết hôn, tôi chưa có con. Và tất cả những quyết định đó là vì tôi muốn nhìn thấy Titanic”, cô Rojas giải thích.

Đối với ông Ross, những lần lặn này mang đến cơ hội hiếm có để nghiên cứu môi trường đại dương sâu thẳm bằng cách lấy các mẫu nước xung quanh khu vực xác tàu đắm, và ghi lại sự đa dạng sinh học bằng máy ảnh của ông. “Có một cuộc chạy đua để hiểu về biển sâu, bởi vì đó là môi trường lớn nhất trong các đại dương và ít được khám phá nhất”, ông cho biết. “Những thay đổi trong đại dương có tác động rất lớn đến toàn thế giới”.

Khi tàu lặn đã đi hơn hai tiếng xuống đáy đại dương cùng với các hành khách trên tàu, ông Ross đã quan sát sự đa dạng sinh học qua ô cửa sổ. “Trên đường đi xuống, chúng tôi nhìn thấy các loài động vật trung đại có tham gia vào cuộc di cư lớn nhất trên Trái đất. Mỗi tối, cộng đồng lớn này di cư lên mặt nước và mỗi buổi sáng chúng di cư trở lại xuống khoảng từ 500 đến 1.000m. Rất nhiều động vật trong số này có khả năng phát quang sinh học, vì vậy bạn sẽ thấy những tia sáng nhấp nháy đây đó”.

Khi chiếc tàu lặn chạm đáy đại dương nó đã hạ cánh xuống mảnh vỡ rộng 15 mét vuông bao quanh mũi và đuôi tàu bị đứt rời của Titanic. “Cả năm người chúng tôi đều im lặng. Thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là những mẩu than. Đó là khoảnh khắc giúp tôi nhận ra tính nhân văn của con tàu Titanic. Thực tế là có người ta đã xúc những thứ này, mang nó lên tàu và lúc nó chìm, tất cả đã tràn ra ngoài biển”, anh Pan nói.

Từ đầu bên kia của chiếc tàu lặn, anh Pan nghe thấy người lái tàu Griffith nói: “Ôi không. Chúng ta có một vấn đề. Khi tôi đẩy về phía trước, một trong những bộ đẩy lại đẩy về phía sau. Bây giờ tất cả những gì tôi có thể làm là xoay 360 độ”, ông Griffith giải thích. Tại con tàu phía trên mặt nước, ông Rush đã xem xét khởi động lại bộ điều khiển của ông Griffith. “Sẽ không dễ dàng gì đâu”, ông nói với nhóm hỗ trợ của mình.

“Tôi đã nghĩ rằng chúng ta sẽ không làm được. Chúng tôi chỉ cách Titanic 300 mét và tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đi vòng tròn”, cô Rojas nói.

May mắn, ông Rush đã nghĩ ra một giải pháp rất đơn giản: “Bảo ông ấy giữ nó theo hướng ngược lại”, ông hướng dẫn. Sau khi hiểu rằng việc rẽ trái trên bộ điều khiển sẽ di chuyển tàu lặn về phía trước, ông kết luận rằng việc xoay bộ điều khiển 90 độ theo chiều kim đồng hồ sẽ giúp tàu lặn có thể đi tiếp.

Vượt qua những viên gạch đầy màu sắc, bát đĩa và một bồn rửa mặt trong mớ mảnh vụn, họ nhanh chóng đạt được mục tiêu: mũi tàu Titanic - nơi đã trở thành biểu tượng từ khi bộ phim Titanic (1997) ra mắt với chuyện tình lãng mạn giữa nhân vật hư cấu Jack và Rose. Sau khi đã chụp ảnh kỷ niệm xong, họ dành những giờ còn lại dưới đáy đại dương để khám phá mũi tàu và những tàn dư còn sót lại của một thời xa xưa, trước khi trở về mặt nước.

Mặc dù để phân tích tất cả dữ liệu đội thám hiểm thu thập được sẽ mất vài tháng, nhưng nhiệm vụ này ngay lập tức khiến họ mãn nguyện. Ngay sau khi trở lại từ con tàu lặn, cô Rojas đã lau nước mắt và nói: “Tôi cần phải làm điều đó để cảm thấy trọn vẹn. Bây giờ tôi đã có thể cảm thấy như vậy”.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.