Khai Xuân, thịt cá đua nhau tăng giá

Sáng mồng 2 Tết, thịt, cá giá...chát
Sáng mồng 2 Tết, thịt, cá giá...chát
TPO- Sáng mùng 2 Tết, tại một số chợ của Hà Nội, các tiểu thương đã bắt đầu buôn bán trở lại. Các mặt hàng tôm, cá bán chạy và có mức giá khá cao. Đặc biệt, thịt bò, thịt lợn giá vẫn cao “ngút”.

> Hoa tươi tiền triệu một bó

> Thực phẩm Tết tăng giá chóng mặt

Sáng mồng 2 Tết, thịt, cá giá...chát
Sáng mồng 2 Tết, thịt, cá giá...chát. Ảnh: Đỗ Hợp

Thịt, cá giá…chát

7 giờ sáng nay, tại chợ Cầu Diễn, chợ Cầu Giấy, chợ Cống Vị,… không khí mua bán đã nhộn nhịp trở lại. Tuy mới mồng 2 Tết nhưng đã có đủ các mặt hang được bày bán từ rau xanh đến hải sản, cá và thịt.

Tại chợ Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), các loại thủy hải sản như: tôm, cá,…và các loại rau xanh được bày bán khá đa dạng.

Giá bán được “hét” cao hơn gấp đôi gấp 3 so với thời điểm giáp Tết. Giá một kg thịt bò mông, thịt bò bắp đã 500 nghìn đồng đắt hơn 200 nghìn đồng so với thời điểm 28, 29 Tết.

Bác Thanh, nhà ở Đội Cấn cho biết, ngày mồng 1 nấu cơm cúng tổ tiên nên ngày mồng 2 Tết cần tiếp khách nên gia đình bác muốn làm lẩu bò nhúng giấm. Tuy nhiên, đi vài chợ cũng không mua được: “Trước tết giá 500 nghìn đồng/kg nhưng cũng không mua được. Ra tết đắt hơn nhưng cũng chả mua nổi”.

Không chỉ thịt bò mà thịt lợn cũng được hét với giá “trên trời”. Thịt thăn là 300 nghìn đồng/kg, đắt gấp ba lần so với trước Tết, giá xương sườn 270 nghìn đồng/kg, đắt hơn gấp đôi, tim, cật, dạ dày, thịt ba giá cũng đắt chát.

Tại chợ Cầu Giấy sáng nay các mặt hàng như cá, tôm, thịt vẫn được các bà nội trợ chọn mua nhiều nhất dù giá cao ngất ngưởng.

Giá một kg thịt lạc thăn là 200 nghìn đồng kg, xương sườn 250 nghìn đồng/kg, thịt bò dao động từ 250 nghìn đến 500 nghìn đồng/kg. Thịt gà giá 200-250 nghìn đồng/kg.

Giá một kg cá chép ở mức từ 120-150 nghìn đồng/kg, cá trắm khúc giá 150 nghìn đồng/kg, tôm 550 nghìn đồng/kg.

Hoa giữ giá, rau xanh giảm giá

Rau cần, bún được nhiều người mua trong ngày đầu năm mới
Rau cần, bún được nhiều người mua trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Đỗ Hợp

Khác hẳn với các năm về trước, giá rau xanh sáng mồng 2 Tết vẫn khá rẻ. Tại các chợ của Hà Nội sáng nay, các loại rau được bán khá phong phú.

Tại chợ Cầu Giấy, giá 1 mớ rau cần chỉ 7.000 đồng/mớ, rau cải, cải cúc, cải xoong, rau muống giá chỉ dao động từ 2-8 nghìn đồng/mớ.

Tương tự, rau thơm, hành, cà rốt, su hào, súp lơ, cà chua, …giá cũng ổn định so với thời điểm trước Tết và giá khá mềm so với thời điểm này của các năm trước.

Chị Trang (Hoài Đức- Hà Nội) nhà có 2 sào trồng rau cải cúc cho biết, trong Tết giá rau quá rẻ, nhiều hôm vợ chồng chị chỉ bán được vài chục mớ rồi còn đâu phải chút bỏ. Sáng nay, vợ chồng chị chỉ dám hái vài chục mớ đem bán.

“Năm nay, trong tết đã rẻ, ngoài Tết mà cũng chỉ bán được 2.000 đồng/mớ. Có năm thậm chí còn bán được 10.000 đồng/mớ mới sướng chứ. Rau rẻ quá thế này cũng không muốn cắt đi chợ bán làm gì”- chị Trang chia sẻ.

Ngược lại, các loại thực phẩm như muối, bún, đậu phụ, bánh rán và rau cần là những mặt hàng được người dân mua rất nhiều trong ngày đầu năm mới nên giá đắt gấp rưỡi.

Để phục vụ cho người dân đi lễ chùa đầu năm mới, nhiều cửa hàng hoa đã mở cửa. Giá hoa vẫn ở mức cao so với thời điểm trước tết với hoa ly từ 350-500 nghìn đồng/chục cành, hoa lay ơn 120 nghìn đồng/chục cành, hoa cúc, hoa hồng 3-5.000 đồng/bông,...

Nhiều doanh nghiệp mở hàng từ mồng 1 Tết

Năm nay, mồng 1 Tết, mồng 6 và mồng 9 được coi là những ngày đẹp để mở hàng nên nhiều chủ doanh nghiệp sắn sàng chọn người hợp tuổi để xông đất cũng như bán mở hàng.

Anh Đình Văn, chủ một xưởng sản xuất về đồ điện tử điện lạnh tại thị trấn Phùng (Đan Phượng- Hà Nội) cho biết, trước Tết anh đi xem thầy và được biết ngày mồng 1 Tết mở hàng là đẹp nhất, thời gian mở hàng từ 5-7h nên mình quyết định mở hàng luôn chứ không đợi đến mồng 6 hay mồng 9.

“Cả năm mới có một ngày đẹp, dù bận và khó nhờ người mở hàng và xông đất cũng phải cố gắng. Mong rằng một năm mới công ty sẽ vận hành suôn xẻ và kiếm được nhiều đơn hàng”- anh Văn cho biết.

Anh Thanh Tuấn, giám đốc một công ty thương mại có văn phòng đại diện ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết, với tuổi của anh năm nay thì người xông đất và người mở hàng phải sinh năm 1970 mới tốt vì thế ngay từ trong Tết đã “nhắm” người rồi.

“Mình không mê tín gì nhưng thấy bảo mồng 1 Tết tốt thì làm. Năm nay được dự báo kinh tế vẫn khó khăn, nếu công ty không vận hành tốt thì mấy chục anh em đói cả. Vì thế khó mấy cũng phải tìm để năm mới may mắn, suôn sẻ”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.