Khai thông chuyện giấy tờ của gia đình nhà văn Ngô Thảo

Khai thông chuyện giấy tờ của gia đình nhà văn Ngô Thảo
TP - Báo Tiền Phong Chủ nhật, số ra ngày 27-11-2011, đăng bài viết “Nhà văn Ngô Thảo gặp rắc rối chuyện giấy tờ”. Nội dung bài báo phản ánh liệt sỹ Ngô Sừ, ngày 10-6-2011, được Thành ủy TP HCM công nhận là người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 đã hy sinh.

> TPHCM tích cực giải quyết chế độ của liệt sỹ Ngô Sừ
> Nhà văn Ngô Thảo gặp rắc rối giấy tờ

Theo đó, 4 người con liệt sỹ là Ngô Đức Thuận, Ngô Thảo, Ngô Thị Tĩnh, Ngô Thị Tâm (do mẹ đẻ và vợ liệt sỹ đã từ trần) sẽ được hưởng chế độ một lần 50 triệu đồng. Theo quy định, để nhận trợ cấp, một trong bốn người con của liệt sỹ (được ba người còn lại ủy quyền) phải lập bản khai đề nghị hưởng trợ cấp một lần, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.

Ở đây, ông Ngô Đức Thuận đã làm bản khai. Ba người em còn lại phải làm thủ tục ủy quyền cho ông Thuận tại chính quyền cấp xã, mới nhận được chế độ.

Tuy nhiên, khi nhà văn Ngô Thảo ra chính quyền địa phương và cơ quan công chứng lại gặp trở ngại về thủ tục làm giấy ủy quyền (UBND phường nói không có chức năng chứng nhận và hướng dẫn ra công chứng; công chứng lại chỉ về phường). Và các em ông, có người được yêu cầu chứng minh họ là con liệt sĩ Ngô Sừ ( trong khi họ không còn giấy khai sinh vì đều đã trên dưới 70 tuổi).

Vừa qua, nhà văn Ngô Thảo đã được cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận ủy quyền và bà Ngô Thị Tĩnh đã làm được giấy xác nhận gửi Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh để ủy quyền cho anh trai là ông Ngô Đức Thuận đứng ra nhận chế độ.

Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM, giấy xác nhận ủy quyền của nhà văn Ngô Thảo, do Hội Nhà văn xác nhận cũng được chấp nhận. “Chúng tôi chỉ cần bằng chứng là các thành viên trong gia đình đồng ý ủy quyền cho ông Thuận nhận tiền là được”, ông Tâm nói.

Theo báo cáo mới đây của Sở LĐ-TB&XH, gửi Thường trực Thành ủy TP HCM, sở dĩ Sở chưa giải quyết chế độ được cho ông Ngô Đức Thuận là vì gia đình chưa làm xong các thủ tục ủy quyền. Và có cả chuyện một trong ba người còn lại là bà Ngô Thị Tâm chưa lập giấy ủy quyền cho ông Thuận nhận trợ cấp.

Trao đổi với Tiền Phong, ngày 9-12, ông Lê Thành Tâm cho biết: Theo pháp luật về thừa kế, bốn người con của liệt sỹ có quyền bình đẳng như nhau trong việc hưởng số tiền trợ cấp. Nên khi chưa có đủ giấy ủy quyền thì chúng tôi không thể chi trả chế độ được. Bởi thực tế, đã từng xảy ra một số vụ tranh chấp khá phức tạp giữa các thành viên trong gia đình khi nhận chế độ chính sách.

“Trường hợp của bà Tâm, mới đây, khi Sở có cuộc họp với Bộ tại Nha Trang, tôi đã cử một cán bộ đến gặp bà Tâm để trao đổi. Cơ bản bà Tâm đã đồng ý làm giấy ủy quyền cho ông Thuận. Ngay sau khi đủ thủ tục, chúng tôi sẽ giải quyết ngay”, ông Tâm nói.

Như vậy, vấn đề giấy tờ trong chuyện này đã được khai thông. Tuy nhiên, phải thừa nhận bài báo “Nhà văn Ngô Thảo gặp rắc rối chuyện giấy tờ” mới chỉ phản ánh bức xúc một phía của nhà văn Ngô Thảo và có một số câu, từ ngữ cảm tính và chưa phù hợp.

Nhất là câu “Vì nếu cán bộ công quyền giải quyết công việc cứng nhắc như câu chuyện ông kể...” hàm ý phê phán sự đùn đẩy, nhiêu khê ở các cấp có thẩm quyền chứng nhận, nhưng lại đặt ở cuối bài có thể gây hiểu nhầm là phê phán cả Sở LĐ-TB&XH TP HCM, đơn vị đã tuân thủ đúng các nguyên tắc và quy định trong trường hợp này. Báo Tiền Phong xin nghiêm túc tự phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG