Một trong những đại cảnh của lễ khai mạc |
Gần 60 ngày đêm đặc biệt
Sắp xếp thời gian gặp gỡ báo giới sáng 10/5 - ít giờ trước đêm tổng duyệt- ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VHTT) nhắc lại buổi sơ duyệt xuyên đêm 9/5, đội mưa chạy thử chương trình. Ngay sau cuộc trao đổi nhanh về chương trình khai mạc, lãnh đạo Sở và ê-kíp lại nhanh chóng di chuyển về sân vận động chờ đêm tổng duyệt có tính chất quyết định.
Chuẩn bị cho lễ khai mạc tối 12/5 tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình, ê-kíp sản xuất nhiều ngày không ngủ. NSƯT Trần Ly Ly, Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), tổng đạo diễn chương trình giọng khản đặc. Mấy chục ngày “hò hét” tập luyện, ráp nối tiết mục sân khấu từ nhà thi đấu ra sân vận động, còn đủ sức để nói như chị cũng quá phi thường.
Khoảnh khắc người trẻ tình nguyện trải thảm sân khấu bảo vệ sân cỏ Mỹ Đình chuẩn bị cho lễ khai mạc SEA Games 31. Ảnh: Kỳ Sơn |
Chưa đầy một tuần diễn ra lễ khai mạc, những người thực hiện mới được vào sân vận động để lắp ráp sân khấu. Khối lượng thiết bị âm thanh, ánh sáng khổng lồ bình thường mất 10 ngày để ráp nối với nhau nhưng nay chỉ có khoảng hai đêm. “Kỹ sư phải làm việc thâu đêm, bởi công nghệ ánh sáng chỉ có thể kiểm tra lắp đặt trong đêm. Ban ngày diễn viên múa phải chạy sân khấu, đội mưa đội nắng trong điều kiện vừa tập vừa phải bảo vệ sân cỏ”, NSƯT Trần Ly Ly kể.
Không có thời gian kể khổ, tổng đạo diễn Ly Ly chỉ hé lộ một phần thách thức, khó khăn thường trực mà ê-kíp phải đối diện và vượt qua. Chị bảo khi nhận lời mời từ Sở VHTT Hà Nội-đơn vị thực hiện chương trình khai mạc, bế mạc SEA Games 31- chị chưa hình dung hết khối lượng công việc. “Với tư cách đạo diễn tôi sẽ đòi hỏi 1 năm chuẩn bị, tuy nhiên khi nhận trách nhiệm làm chương trình SEA Games tôi coi đó là trách nhiệm, là niềm tự hào”, NSƯT Ly Ly nói.
Đạo diễn âm nhạc Huy Tuấn chung tâm trạng, anh nhận lời trong trạng thái tương tự. Trong điều kiện bình thường, Huy Tuấn nhận làm 5 phút nhạc trong gần một tháng. Thế nhưng anh cũng chỉ có gần 2 tháng để chịu trách nhiệm gần 120 phút âm nhạc của lễ khai mạc. Anh huy động gần như hết thảy anh em nghệ sĩ, nhạc sĩ quen biết để chung lưng đấu cật. “Mấy chục năm nay làm trong showbiz, tôi biết đây là nhiệm vụ không thể từ chối. Anh em nhạc sĩ cũng hiểu gần như đây là cơ hội duy nhất trong sự nghiệp sáng tác được tham gia SEA Games”, nhạc sĩ Huy Tuấn khẳng định. Bên cạnh niềm tự hào, nhạc sĩ Huy Tuấn và nghệ sĩ nói chung rất hân hoan khi trở lại với nghề sau hai năm đại dịch hoành hành. “Đây thực sự là niềm hân hoan chúng ta đều chờ đợi. Đó là tinh thần khi tôi sáng tác ca khúc chủ đề Let’ shine (Cùng tỏa sáng) khi cả gia đình còn mắc kẹt ở Hà Nội vì COVID-19”, anh nói.
NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long-đơn vị sản xuất lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games- nói rằng, dù bộn bề khó khăn từ thời tiết không thuận lợi, tiến độ gấp gáp, ê-kíp không có thời gian để ngủ, nhưng khi cận kề phút giây thiêng liêng của lễ khai mạc, cả ê-kíp luôn gắng hết sức để đảm bảo chất lượng tốt nhất nhằm lan tỏa hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Những tiết mục đáng giá
Xem chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc là điểm nhấn văn hóa quan trọng nhằm giới thiệu hình ảnh của một đất nước Việt Nam thân thiện và hiếu khách, một Đông Nam Á đoàn kết, mạnh mẽ và sẵn sàng tỏa sáng, ông Đỗ Đình Hồng luôn theo sát ê-kíp từ ý tưởng kịch bản cho tới suốt quá trình chuẩn bị. “Bất chấp những hạn chế về thời gian, khó khăn về sức người do ảnh hưởng của COVID-19, BTC, tổ đạo diễn và ê-kíp lên tới 2.000 nhân sự đã nỗ lực làm việc bất kể ngày đêm bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm cao nhất nhằm mang tới lễ khai mạc trọn vẹn nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ thắp lên ngọn lửa tích cực, lan tỏa tinh thần thể thao thượng võ của SEA Games 31 cho người dân Việt Nam nói riêng và cả 11 quốc gia trong khu vực nói chung. Hy vọng đại hội này sẽ là điểm sáng khẳng định sức mạnh của Đông Nam Á sau 2 năm đấu tranh với đại dịch”, ông Đỗ Đình Hồng nêu.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho hay, các nhà hát và đơn vị nghệ thuật của Hà Nội đem quân “sát hạch”, tuy nhiên Sở tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của tổng đạo diễn Trần Ly Ly. Số lượng khoảng 600 diễn viên múa bên cạnh nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long, một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đạo diễn phải trông vào Học viện Múa Việt Nam và trường ĐH VHNT Quân đội. NSƯT Trần Ly Ly tiết lộ, có những đại cảnh huy động tới 250 diễn viên. Không dám chắc cả 250 người “đều tăm tắp”, nhưng tổng đạo diễn tin một số đại cảnh như múa nón, múa chèo thuyền mang lại cảm xúc đặc biệt.
Hỏi về hiệu ứng đặc biệt về thị giác, tổng đạo diễn Ly Ly cho biết, việc kết hợp các công nghệ trình diễn và biểu diễn như công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX) (bao gồm thực tế tăng cường (AR- Augmented Reality), thực tế ảo (VR-Virtual Reality), thực tế hỗn hợp (MR-Mixed Reality) cũng được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu ứng thị giác tốt nhất cho 20 nghìn người xem trực tiếp tại Mỹ Đình và khoảng 70 triệu người xem qua truyền hình.
Chưa muốn tiết lộ quá nhiều điểm nhấn độc đáo tuy nhiên nhạc sĩ Huy Tuấn hé lộ, ca khúc chủ đề Let’s shine được trình diễn với phiên bản riêng, khác lạ. Bài hát chủ đề đã có phiên bản âm thanh, phiên bản MV, nay phiên bản trực tiếp tại lễ khai mạc có sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ hùng hậu, được dàn dựng công phu với sự tham gia của cả nghìn người. “Nhiều người nói đây là ca khúc có chi phí đắt đỏ nhất mà họ từng được chứng kiến. Tiết mục khép lại lễ khai mạc chắc chắn tạo cảm xúc, là một trong những tiết mục mà chúng tôi dồn hết tâm huyết”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói.
NSƯT Trần Ly Ly nói, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong những ngày dàn dựng sân khấu đó là hình ảnh hơn 200 sinh viên của trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh hỗ trợ đội thi công sân khấu trải các tấm phủ để bảo vệ sân cỏ Mỹ Đình. “Toàn bộ ê-kíp dường như quên hết mệt mỏi bởi tiếng hát động viên của các em sinh viên, với tinh thần hỗ trợ, tất cả vì chương trình màu cờ sắc áo”, NSƯT Ly Ly nói.