Khai khoáng Việt Nam bao giờ minh bạch?

Khai khoáng Việt Nam bao giờ minh bạch?
TP - Ngành khai khoáng nước ta đang mù mờ, không minh bạch, nguy cơ tham nhũng xảy ra ở tất cả các khâu. Hệ quả là môi trường ô nhiễm, người dân vùng mỏ nghèo đói, thất thu ngân sách... Các chuyên gia cho rằng, ngành khai khoáng Việt Nam khó minh bạch do có sự chi phối của các nhóm lợi ích.

> Phải xử lý hình sự gian lận khai khoáng
> Ở đâu có khai khoáng, ở đó dân sợ?

Tham nhũng hơn đất đai ?

Ngày 6/12, tại cuộc đối thoại về Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI), ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), thành viên Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho biết, ngành khai khoáng nước ta còn “khoảng cách rất lớn” giữa văn bản pháp luật và thực tiễn.

Theo ông Tú, kết quả từ nghiên cứu chỉ số quản trị tài nguyên tại 58 quốc gia trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 43, đạt điểm số thấp nhất trong bảng xếp hạng ở phân nhóm thể loại “yếu”. Việt Nam đứng thứ 8/10 quốc gia được đánh giá ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ trên Campuchia và Myanmar.

Theo ông Tú, do quản trị yếu nên tài nguyên bị thất thoát, lãng phí, gây thất thu ngân sách, gây hậu quả lớn về môi trường (tiếng ồn, bụi, nước, chất lượng kém...). Việc chia sẻ lợi ích còn bất cập nên dân cư ở nhiều vùng mỏ còn nghèo đói.

Theo nghiên cứu thí điểm của CODE với khai thác quặng ti-tan ở miền Trung, các doanh nghiệp (DN) hưởng 49-53% nguồn thu từ khoáng sản. Nhà nước chỉ hưởng 34% qua thuế, phí nhưng phải tái đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, môi trường, an sinh xã hội; trong khi người dân chỉ hưởng 13%, chủ yếu từ công lao động.

Đáng lo ngại hơn, các khâu trong ngành khai khoáng (từ điều tra địa chất, cung cấp thông tin; thăm dò, công bố trữ lượng; cấp phép, khai thác và nộp ngân sách; sử dụng, xuất khẩu khoáng sản và chi tiêu ngân sách...) đều có nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Lãnh đạo Viện CODE dẫn kết quả điều tra xã hội học về hành vi ẩn chứa tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng mới đây của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho thấy riêng ở khâu tiếp cận thông tin với chính quyền, DN phải chi trung bình 178 triệu đồng và cao nhất tới 5 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí để có quyết định phê duyệt trữ lượng là 110 triệu đồng, cao nhất lên tới 1,2 tỷ đồng. Khoảng 18% DN phải bỏ ra trung bình 14 triệu đồng để có bản thỏa thuận với chính quyền địa phương.

Theo ông Tú, qua kiểm tra của Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản của 957 giấy phép (cấp từ tháng 10/2011 đến tháng 6/2012), có trên 50% giấy phép do địa phương cấp sai hoặc không đúng quy định.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, ngành khai khoáng nước ta không chỉ chưa minh bạch ở nguồn thu, việc đánh giá trữ lượng cũng chưa đâu vào đâu.

Chưa kể, việc cấp phép cho DN khai khoáng một loại khoáng sản này, nhưng “miếng ăn” là những loại khoáng sản có giá trị khác không được đưa vào báo cáo.

Đến nay, sản lượng khai khoáng chủ yếu dựa vào DN báo cáo. “Những người am hiểu về khai thác khoáng sản đều nói, có lẽ tham nhũng về khoáng sản còn vượt trên tham nhũng trong lĩnh vực đất đai”, ông Võ nói.

Vì sao chậm vào EITI ?

Theo GS Đặng Hùng Võ, để quyết tâm chống tham nhũng trong khai thác khoáng sản, cách tốt nhất hiện nay là tham gia vào sáng kiến EITI. Sáng kiến này sẽ làm minh bạch được những lợi ích giữa nhà nước và DN, trong đó có một tổ chức đứng ở giữa làm cầu nối.

“Ai là người đứng ở giữa để làm rõ sự minh bạch ở đây? Ở Việt Nam, thường suy nghĩ ta và nhà đầu tư là minh bạch rồi, khó chấp nhận người đứng giữa. Do vậy, cơ chế “tay ba” là điều phức tạp ở nước ta. Ở đây, rõ ràng còn có sự mù mờ, nhiều đại gia trong lĩnh vực khai khoáng không muốn công bằng, minh bạch để dễ được việc hơn”, ông Võ khẳng định.

Bà Clare Short, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế EITI cho biết, hiện có 41 quốc gia đã tham gia và 10 quốc gia khác đăng ký thành viên EITI. Gần Việt Nam có Indonesia, Myanmar, Philippines chuẩn bị gia nhập.

Theo bà Clare Short, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là hai mục tiêu quan trọng của EITI. Qua đó sẽ giúp Việt Nam hỗ trợ phòng chống tham nhũng, tăng lợi ích cho cộng đồng, cải thiện quản trị tài nguyên, thu ngân sách cho nhà nước.

“Các Cty khoáng sản phải có trách nhiệm giải trình về các khoản thu với chính phủ và người dân. Trong ngành này, tiền có đi đâu, nộp ở đâu, chính phủ người dân không ai biết hết được. Vậy thì, phải ngồi lại với nhau để làm minh bạch, các nguồn thu di chuyển thế nào, DN được bao nhiêu tiền, chính phủ được nhận bao nhiêu. Làm sao để bình đẳng, người dân nghèo vùng khai khoáng cũng được quyền lợi, không để tiền rơi vào thùng không đáy”, bà Clare Short nói.

Việt Nam bắt đầu tiếp cận với EITI vào năm 2007. Năm 2010, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương tiếp cận nghiên cứu và đánh giá khả năng tham gia EITI của Việt Nam.

Đến nay đã gần bốn năm, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được bước đầu tiên là có văn bản bày tỏ sự quan tâm đến EITI quốc tế. Ông Phạm Quang Tú cho rằng, đó là sự chậm chạp vì với trình độ của Việt Nam hiện nay, những khó khăn để gia nhập EITI có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Ông Tú băn khoăn: Tại sao chúng ta vẫn chưa tiếp cận được bước đầu tiên của quá trình EITI khi thấy lợi ích lớn của nó. Có hay không lợi ích nhóm đang chi phối tiến trình gia nhập EITI của Việt Nam ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG