Các đoàn rước của bảy thôn của các xã Phù Linh, Tiên Dược, Tân Minh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú lần lượt tề tựu trước khu di tích đền Sóc từ 6h sáng.
Đúng 7h sáng, lễ khai hội bắt đầu bằng nghi lễ dâng lễ vật lên sân đền Thượng. Các lễ vậy như truyền thống gồm giò hoa tre thôn Vệ Linh, ngựa của thôn Phù Mã, voi chiến của thôn Dược Thượng, trầu cau thôn Đan Tảo, ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào, kiệu tướng thôn Yên Tàng, cầu húc của thôn Xuân Dục.
Giò hoa tre và trầu cau luôn là hai lễ vật được “nhắm” tới để dân làng tranh cướp lấy may. Tuy nhiên từ năm 2018, BTC quyết định chỉ hạ một phần lộc hoa tre và trầu cau đưa xuống đền Hạ và đền Mẫu lễ tạ, còn lại đưa vào hậu cung đền Thượng chờ phát lộc.
Trong quá trình đưa lễ vật dâng Thánh trên đền Thượng, hàng trăm cán bộ, tình nguyện viên và thanh niên trai tráng các thôn được huy động tuy nhiên không còn tình trạng đem gậy gộc bảo vệ lễ vật, giảm nguy cơ xô xát và gây ra thương tích đáng tiếc.
Nữ tướng trẻ một vài năm trước thường được du khách bao vây gây ra tình trạng lộn xộn, tuy nhiên năm nay sau khi làm lễ, nữ tướng trẻ được thay trnag phục và được bảo vệ giám sát của lực lượng chức năng.
Các nhà khoa học, các nhà văn hóa ủng hộ sự thay đổi phương thức từ cướp lộc sang phát lộc tại hội Gióng. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy khẳng định tranh cướp không phải nghi lễ chính thức mà chỉ là hệ quả của nghi lễ do con người nghĩ ra. Kịch bản Hội Gióng cũng do cả quá trình hoàn thiện, những nghi thức không còn phù hợp cần được loại bỏ để hướng tới lễ hội văn minh.
Hội Gióng 2019 diễn ra từ 6-8 tháng Giêng tại Khu Di tích Lịch sử văn hóa đền Sóc. Một số hoạt động mới như tăng chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thi nấu cơm và kéo mỏ.