Khai giảng chưa lâu, học sinh liên tiếp bị đánh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khai giảng năm học mới chỉ hơn một tháng nhưng ở các trường học đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường. Các chuyên gia cho rằng, học sinh đánh nhau hay bị giáo viên đánh đều để lại tổn thương tinh thần rất lớn và lâu dài.

Mới đây, tại Đà Nẵng, sau giờ học trên lớp, một học sinh lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, quận Sơn Trà trở về nhà với đôi chân tím bầm do bị đánh. Giáo viên của lớp này lý giải, trong giờ nghỉ trưa, cô giáo giao một học sinh hướng dẫn bạn học bài và xảy ra việc đánh bạn. Tuy nhiên, phụ huynh của cả 2 học sinh liên quan sự việc kể trên đều không chấp nhận lí lẽ đó.

Khai giảng chưa lâu, học sinh liên tiếp bị đánh ảnh 1

Chân của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Phan Văn Vinh (Đà Nẵng) bầm tím sau một ngày học ở trường.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, sự việc hiện đã được giao cho Công an quận xác minh lại thông tin. “Với quan điểm không bao che, không bảo vệ cho việc làm sai phạm (nếu có). Trong trường hợp này, dù cô giáo có đánh học sinh hay để học sinh khác đánh bạn thì cũng không tránh khỏi trách nhiệm quản lí lớp, quản lí học sinh”, bà Thuận cho hay.

Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND quận chỉ đạo Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh tạm thời không để cô giáo đứng lớp, phân công người khác dạy thay và tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của giáo viên cũng như các cá nhân liên quan khi để xảy ra sự việc học sinh bị đánh ngay trong lớp học.

Ngay đầu năm học mới, một học sinh lớp 6, Trường THCS Biên Giang, quận Hà Đông (Hà Nội) bị nhiều học sinh khác đánh đập một cách dã man và quay clip tung lên mạng xã hội. Trong clip, nữ sinh lớp 6 bị đánh phải quỳ sụp xuống đất xin tha nhưng nhóm học sinh kia vẫn lao vào vừa đánh, đạp vào người, xé áo. Sự việc sau đó được xác minh là học sinh lớp 7, 8 đánh học sinh lớp 6 vì mâu thuẫn từ thời tiểu học. Sau đó đã khiến công an vào cuộc xác minh.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình ông Nguyễn Viết Hiển xác nhận có sự việc phụ huynh cơ sở giáo dục mầm non Fairy Dream 2 “tố” giáo viên dùng vật nhọn nghi là gai bưởi châm vào người trẻ. Ngay sau khi có thông tin, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT báo cáo rõ sự việc với quan điểm sẽ “xử lý nghiêm nếu giáo viên vi phạm”. Cơ sở giáo dục mầm non này sau đó cũng buộc phải đình chỉ giáo viên để phối hợp công an làm rõ.

Học sinh bị tổn thương lâu dài

Bà Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, không ít học sinh bị áp lực, trầm cảm vì học tập và các mối quan hệ trong cuộc sống. Điều quan trọng là cha mẹ, thầy cô phải phát hiện sớm và tháo gỡ “ngòi nổ” âm ỉ cháy nhằm giải quyết vấn đề. Ở trường học vai trò phòng tư vấn tâm lý học đường rất cần thiết tuy nhiên không phải trường nào cũng duy trì hoạt động vì thiếu biên chế.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý và phương pháp học Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối mà đối tượng bị bạo lực thường là học sinh.

Ở góc độ học sinh đánh nhau, nguyên nhân thường là do trêu ghẹo giữa bạn bè đồng trang lứa, học sinh lớp trên và lớp dưới vì những đặc điểm khác biệt mới xuất hiện ở tuổi dậy thì đã diễn ra phổ biến. Thêm vào đó là nạn cô lập gây bè phái trong từng lớp học. Nếu người lớn nhìn vào chỉ là hiện tượng bình thường nhưng điều đó lại khiến không ít học sinh bị cô lập mà nguyên nhân đơn giản chỉ vì “không hợp” hoặc “đã vi phạm vào quy định của của nhóm bạn bè”.

“Đôi khi các cuộc cuộc ẩu đả dẫn đến từ việc tung tin đồn ở trường lớp hay trên mạng xã hội khiến cho bạn bè nghi ngờ nhau và đẩy sự việc lên cao. Nạn băng nhóm của những bạn thích nổi trội hay kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu của một số học sinh nổi loạn ở tuổi vị thành niên cũng là nguyên nhân gây nên bạo lực”, ông Sơn phân tích.

Điều đáng nói là sau năm học trực tuyến kéo dài, đã có nhiều sự việc học sinh bị tổn thương ở mức trầm trọng như: chân chi chít vết bầm, bị châm vật nhọn ngay chính trong trường, lớp học.

Ông Sơn cho rằng, học sinh sẽ chỉ cảm thấy yên tâm học tập khi ở trong môi trường an toàn, ngược lại khi bị bạo lực, các em sẽ bị tổn thương, khủng hoảng lâu dài. Do đó, nhà trường cần có giải pháp để chặn đứng mầm mống của bạo lực như việc xây dựng quy tắc ứng xử, tổ chức các giờ học, hoạt động trải nghiệm với các bài tập xử lý tình huống nhằm giúp học sinh hiểu rõ thế nào là bạo lực học đường và hệ lụy khi sự việc xảy ra.

“Ngay cả sức khỏe tâm thần của giáo viên hiện cũng chưa được quan tâm, chăm sóc đúng mực. Thầy cô vẫn đang chịu nhiều áp lực vì thành tích, soạn giáo án…. Khi thầy cô, nhà quản lý giáo dục căng thẳng, mệt mỏi vì công việc quá tải khó có thể ứng xử tốt hay quan tâm đến các vấn đề học sinh đang gặp phải”, PGS. TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) nói.

MỚI - NÓNG