Khách sạn đầu tiên và lâu đời nhất ở Hội An gặp 'hạn'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong tháng 2 năm nay, khách sạn đầu tiên và lâu đời nhất ở Hội An phải ra nghị quyết việc tiếp tục ngưng hoạt động 2 văn phòng đại diện ở Hà Nội, TPHCM, đồng thời gửi báo cáo phương án khắc phục tình trạng thua lỗ kéo dài trước cảnh báo huỷ niêm yết.

Nhiều người ví COVID-19 như “vận hạn” bất ngờ ập đến đối với ngành du lịch. Đến 2022, thị trường du lịch phục hồi đáng kể khi dịch bệnh được kiểm soát.

Báo cáo tài chính (BCTC) nhiều doanh nghiệp cho thấy bức tranh kinh doanh khá sáng sủa. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn ì ạch trong việc vực dậy hậu đại dịch, Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (mã CK: HOT) – đơn vị vận hành Khách sạn Hội An là một ví dụ.

Khách sạn đầu tiên và lâu đời nhất ở Hội An gặp 'hạn' ảnh 1

Khách sạn Hội An phải đối mặt khó khăn do nhân sự ngành du lịch tại địa phương thiếu hụt vì đã chuyển đổi ngành nghề, chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng.

Là khách sạn đầu tiên tại thị xã Hội An (hoạt động kể từ năm 1991) và chưa bao giờ thua lỗ trước khi COVID-19 xảy ra nhưng đơn vị này lại đang đối mặt với khả năng hủy niêm yết bởi lợi nhuận âm kéo dài. Trong đó, năm 2020, công ty đã lỗ khoảng 23 tỷ đồng và năm 2021 tiếp tục lỗ gần 21 tỷ đồng.

Sang 2022, tình hình lỗ công ty có chiều hướng giảm đáng kể so năm 2021 do thị trường du lịch dần phục hồi, đặc biệt là sự bùng nổ của khách nội địa. BCTC quý IV/2022 của doanh nghiệp cho thấy, doanh thu trong quý đạt 9,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 4 tỷ đồng.

Lãi vay phải trả của doanh nghiệp này phát sinh trong quý cuối năm là hơn 158 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước không có. Chi phí quản lý doanh nghiệp của cả năm là gần 9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số hơn 8,5 tỷ đồng năm trước. Tính chung cả năm lỗ gần 19 tỷ đồng.

Khách sạn đầu tiên và lâu đời nhất ở Hội An gặp 'hạn' ảnh 2
Biểu đồ về tình hình kinh doanh của CTCP Du lịch dịch vụ Hội An từ năm 2015-2022.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An, hiệu quả kinh doanh không đạt bởi trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, giá bán thấp do điều kiện cơ sở vật chất công ty xuống cấp sau 2 năm dịch tạm ngưng hoạt động và thời gian dài không đầu tư do định hướng tái cấu trúc của công ty. Trong khi đó, chi phí phải trả cho nhà cung cấp tăng cao, tiền thuê đất tăng, trả lãi vay ngân hàng... đã làm doanh nghiệp phát sinh lỗ.

Giải trình về phương án khắc phục lỗ trong năm 2023, ban lãnh đạo công ty này cho biết đang kỳ vọng vào sự phục hồi thị trường du lịch. Theo đó, sơ bộ quý I ước doanh thu của khách sạn tương đối cao do lượng khách lưu trú tăng.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2022, lỗ luỹ kế công ty đến cuối năm 2022 là gần 65 tỷ đồng. Tháng 1/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07 về việc giảm 30% tiền thuê đất đối với doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Do vậy, số tiền thuê đất công ty giảm 2,3 tỷ đồng. Theo đó, số lỗ luỹ kế cũng giảm còn hơn 62 tỷ đồng.

Công ty này mới đây đã phải báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu có khả năng huỷ niêm yết. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An - cho biết, là doanh nghiệp cổ phần kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công ty chưa bao giờ bị lỗ từ khi thành lập đến nay. Dù nỗ lực tìm đủ các giải pháp khai thác doanh thu, cắt giảm chi phí nhưng trong điều kiện thị trường "đóng băng", công ty cũng không thể tránh khỏi hậu quả như vậy (số lỗ luỹ kế tính đến cuối 2021 là hơn 45 tỷ đồng).

HĐQT công ty cũng phải ra nghị quyết tiếp tục tạm ngừng 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM. Lý do ngừng hoạt động để phù hợp với điều kiện thực tế khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhận diện thách thức, lãnh đạo khách sạn lâu đời nhất Hội An cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế có thể khiến khách du lịch có thái độ thận trọng hơn. Với việc giảm chi tiêu, du khách ưu tiên cho các chuyến đi ngắn hơn và du lịch gần nhà hơn. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác cũng như thách thức về sức khoẻ liên quan đến COVID-19 cũng là những rủi ro tiêu cực và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch trong những tháng tới.

Chưa kể, đại dịch đã thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra nhiều xu hướng mới. Do đó, công ty đối mặt vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, sản phẩm dịch vụ, giá bán, cạnh tranh về chất lượng để có thể thu hút thị trường khách quốc tế.

Ngoài ra, khách sạn cũng phải đối mặt do nhân sự ngành du lịch tại địa phương thiếu hụt do đã chuyển đổi ngành nghề, chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng; khó khăn trong huy động vốn do chính sách thắt chặt tín dụng đối với doanh nghiệp thua lỗ mặc dù số dư nợ vay của công ty không lớn.

Chính thức hoạt động vào tháng 8/1991, khách sạn Hội An đã có phát triển hơn 30 năm ở địa điểm du lịch rất nổi tiếng Việt Nam. Đây là khách sạn đầu tiên và duy nhất trên địa bàn thị xã Hội An lúc bấy giờ. Năm 2006, công ty đã đổi tên và hoạt động hình thức công ty cổ phần. 5 năm sau, công ty chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM với mã chứng khoán là HOT.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đạt nhiều giải thường lớn, trong đó Hoi An Beach Resort từng đạt top 10 khách sạn hàng đầu Việt Nam... Đến 2019, công ty đã tiến hành bàn giao Khách sạn Hội An cho Tập đoàn Melia quản lý, hoạt động với thương hiệu The Hoi An Historic. Tuy nhiên, sang 2020, hoạt động kinh doanh của toàn công ty đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19, các chi nhánh đều cắt giảm nhân sự, thu hẹp hoạt động kinh doanh...

MỚI - NÓNG