Nhiều điểm tham quan, du lịch giải trí đạt doanh thu lợi nhuận khủng
Thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ và diễn biến phức tạp, ngành du lịch trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Cả loạt địa điểm du lịch giải trí “đóng băng” vì giãn cách xã hội 2 năm 2020 và 2021.
Sang 2022, nhiều chính sách đã được đưa ra để kích cầu nhu cầu du lịch nội địa. Phong trào du lịch tại chỗ với các điểm đến gần nhà, du lịch ngắn ngày trong nước tạo nguồn thu chính cho các điểm du lịch, tham quan.
Nổi danh tại khu vực Nam Bộ, Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và Du lịch núi Bà Đen tại Tỉnh Tây Ninh hàng năm đón hàng triệu lượt khách thập phương đến tham quan. Là đơn vị cung cấp dịch vụ cáp treo và xe trượt ống tại Khu du lịch này, CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (Mã CK: TCT) vừa báo cáo một năm làm ăn thuận lợi với doanh thu lợi nhuận đều tăng vọt.
Cụ thể, báo cáo tài chính cho thấy, dù quý IV/2022 doanh nghiệp lỗ ròng hơn 3,6 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm vẫn cao gấp 18 lần lợi nhuận năm 2021. Trong đó, doanh thu thuần đạt 63,6 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2021, cùng với khoản doanh thu hoạt động tài chính thu về hơn 22 tỷ đồng, TCT có một năm hết sức tích cực khi lợi nhuận sau thuế năm 2022 cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Dù chưa trở lại mức lãi như trước Covid-19, song khoản lãi này cho thấy triển vọng khởi sắc với doanh nghiệp.
Tại TP HCM, doanh thu của các doanh nghiệp sở hữu, vận hành, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm vui chơi quen thuộc lâu năm như Thảo Cầm Viên, Công viên nước Đầm Sen cũng cho thấy phần nào bức tranh chung của ngành.
Nguồn số liệu: Báo cáo tài chính các doanh nghiệp. |
Thảo Cầm Viên là công viên bảo tồn động vật - thực vật ở TPHCM. Đây cũng là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất trên thế giới. Hiện Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang quản lý các hoạt động giải trí Thảo Cầm Viên.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu thuần đạt 144,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 45,3 tỷ đồng năm trước. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế Thảo Cầm Viên Sài Gòn đạt gần 3 tỷ đồng. Dù không cao, song mức này vẫn gấp 3 lần kế hoạch đặt ra và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Năm 2021, công ty này lãi chỉ hơn 500 triệu đồng.
Đặc biệt, khoản lãi này được ghi nhận sau khi Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin không nhận ngân sách đặc thù do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM. Công ty đã ghi nhận khoản tiền này vào thu nhập khác năm 2021, trên báo cáo tài chính 2022 công ty ghi nhận giảm thu nhập khác với số tiền tương ứng là 13,41 tỷ đồng.
Dù khoản lãi gần 3 tỷ đồng còn khá ít ỏi so với nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên đối với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, năm 2022 chính là năm có lợi nhuận tốt nhất trong vòng 10 năm qua. Thảo Cầm Viên Sài Gòn từng lỗ hơn 1,6 tỷ đồng năm 2020. Nhờ khoản lãi năm 2022, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Thảo Cầm Viên Sài Gòn được bù đắp, hiện vẫn còn lỗ hơn 579 triệu đồng.
Trong khi đó, CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã CK: DSN) - chủ sở hữu công viên nước Đầm Sen nổi tiếng tại TP.HCM - gây bất ngờ khi báo cáo lợi nhuận năm cao nhất trong lịch sử thành lập.
Năm 2022, doanh thu thuần của DSN đạt tới 232,2 tỷ đồng trong khi kỳ năm trước chỉ thu hơn 25 tỷ. Do đó, dù các chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, DSN vẫn thu về lợi nhuận sau thuế 107,7 tỷ đồng, gấp 4 lần lợi nhuận sau thuế cả năm 2021. Với kết quả này, năm 2022 đánh dấu năm đầu tiên DSN có lợi nhuận vượt mốc 100 tỷ đồng.
Công viên nước Đầm Sen đi vào hoạt động từ năm 1998 với vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng. Năm 2021, công viên nước nổi tiếng này do ảnh hưởng của Covid-19 còn phải hoạt động trong tình trạng thu không đủ chi.
Kỳ vọng vào du lịch tiếp tục được kích cầu
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022 du lịch Việt Nam đã đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt trên 70% so với kế hoạch năm; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch.
Khách quốc tế năm 2022 và tháng 1/2023 (nghìn lượt). Nguồn: Tổng cục Du lịch |
Khách nội địa năm 2022 và tháng 1/2023 (nghìn lượt). Nguồn: Tổng cục Du lịch |
“Hồi sinh” nhờ khách nội địa, ngành du lịch tiếp tục có thêm nhiều động thái để thúc đẩy quá trình phục hồi trong năm 2023. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Chỉ trong tháng đầu năm, tín hiệu tương đối khả quan khi có trên 871 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch nội địa tháng 1/2023 ước đạt 13 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 46 nghìn tỷ đồng.