> Tết yêu thương đến với người nghèo
> Cho tôi được... nghèo
Đưa người dưng về khách sạn
Khách sạn Ngọc Quý nằm ở khu phố 6, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Lúc chúng tôi đến, ngoài các cụ già đang ngồi nghỉ trên những chiếc ghế nệm, trước khoảng sân rộng được phủ bóng bởi bốn hàng cây xung quanh, chỉ có một cụ già tầm 70 tuổi đang cặm cụi quét sân. Khi được hỏi, cụ tròn mắt: “Chú tìm người chủ khách sạn này à? Tui đây!”.
Trong bộ đồ tu hành, ông Nguyễn Văn Sức (69 tuổi) trông giống một người quét chùa hơn là chủ khách sạn. “Tui quê ở Ba Tri, Bến Tre, lên Sài Gòn từ năm 10 tuổi. Cả đời lập nghiệp dựng được cái khách sạn này. Thấy ngoài đời có nhiều người nghèo khổ không nơi nương tựa, tui nhận họ vào ở, coi như là trả ơn cuộc đời”, ông Sức kể.
Người lang thang tìm đến khách sạn Ngọc Quý ngày một đông. Ông Sức bàn với vợ là bà Đỗ Thị Quý sơn sửa, trang hoàng lại khách sạn và thành lập luôn một trung tâm bảo trợ xã hội. Tháng 11/2012, Trung tâm Bảo trợ xã hội Ngọc Quý ra đời, có giấy phép hoạt động, quyết định thành lập cơ sở do Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một ký.
Có được giấy phép, vợ chồng ông Sức ngày ngày đến các bệnh viện, chợ để tìm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người lang thang cơ nhỡ? đưa về trung tâm. Trung tâm đang chăm sóc cho hơn 30 người, trong đó có 13 trẻ em.
Bồng cháu Nguyễn Văn An, mới 6 tháng tuổi trên tay, bà Đỗ Thị Quý nói: “Cháu bị ba mẹ bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng. Đêm đó vợ chồng tôi đang ở TPHCM, nghe bệnh viện Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) gọi, chúng tôi tức tốc chạy lên đón cháu về trung tâm”. Nhiều cháu đã lớn nhưng mồ côi bố mẹ, ông bà đã già yếu không đủ sức nuôi, vợ chồng ông Sức hay tin đều tới đón về nuôi.
Nơi Nương tựa tình người
Trời đang vào mùa mưa, khoảng sân phía trước trung tâm vốn là nền xi măng cũ, nổi rêu xanh khiến các cháu nhỏ chạy nhảy thường trượt ngã. Ông Sức liền đi mua gạch hoa về lát dọc hành lang. “Còn một đoạn khoảng 10m thì tui cũng hết tiền, đành bỏ dở”, ông Sức lắc đầu.
Phía trên lầu, dãy ban công được làm từ năm 2003, có những khoảng thưa, trẻ con nghịch có thể chui ra ngoài. Ông Sức đi xin gỗ thừa, thanh giàn giáo bỏ đi về nẹp lại. “Cũng muốn làm lại cho đẹp nhưng đành phải chờ bán được nhà. Giờ thì gia cố tạm vậy thôi, miễn sao an toàn cho các cháu nhỏ”, ông Sức nói.
Cụ Nguyễn Thị Hoàng, một người già lang thang đã òa lên khóc nức nở khi được hỏi về nơi ở trước đây của cụ. Sống nay đây mai đó nhờ vào những bát cơm thừa xin được của mọi người. Đêm đến, cụ Hoàng chỉ biết ngủ tạm ở trên cầu, hoặc núp mưa dưới mái hiên, trên vỉa hè. Con cái tranh giành của cải, cụ bị đẩy ra đường, lang thang từ hơn chục năm nay, cho đến khi gặp được vợ chồng người chủ khách sạn tốt bụng. |
Ngày ngày, bà con xóm giềng quanh trung tâm cũng góp gạo, rau mang qua đỡ đần. Nhiều chị bán rau củ ở chợ cóc gần đó, đến trưa còn sót lại ít rau quả, cũng mang qua gửi tặng các cụ, các cháu ở trung tâm. Biết trung tâm mới mở, chưa có người phụ bếp, cô Nung Thị Khuyến, năm nay gần 50 tuổi tình nguyện vào trung tâm nấu ăn cho các cụ, các cháu nơi đây.
Vốn là người dân tộc Tày ở Bắc Kạn, cuộc sống khó khăn nên cô Khuyến khăn gói vào Bình Dương từ năm 1990. Làm đủ mọi nghề, gom góp mua được căn nhà nhỏ ở Củ Chi thì bị lừa mất trắng, phải bán nhà trả nợ. Cô cùng đứa con gái 16 tuổi vào sống trong trung tâm, ngày ngày nấu cơm phụ giúp vợ chồng ông Sức.
Thỉnh thoảng, lại có những người nghèo ở các vùng xung quanh qua trung tâm xin gạo, thức ăn. “Họ đều có hoàn cảnh neo đơn, trong nhà có con tật nguyền. Trung tâm không dư dả gì nhưng cũng góp cho họ chục ký gạo, ít gói mì tôm”, bà Quý kể. Niềm vui của đôi vợ chồng đã vào tuổi 70 là ngày ngày được chơi đùa với lũ trẻ, nghe các cháu nhỏ bi bô “ông ngoại”, “bà ngoại” suốt ngày.
Năm 2008, có người tới xin mua lại khách sạn với giá 12 tỷ đồng. Hai vợ chồng ông Sức đắn đo lắm vì lúc đó kinh tế cũng khó khăn, khách không nhiều. Nhưng rồi hai ông bà cũng quyết giữ lại.
Khi được hỏi cơ ngơi gần 3.000m2 này giờ định giá khoảng bao nhiêu, ông Sức trầm ngâm: “Từ lúc vợ chồng tui có ý định biến khách sạn thành nơi ở cho người nghèo, tui đã không còn nghĩ đến giá trị vật chất của nó nữa. Giờ ai mua bao nhiêu, tôi cũng không quan tâm”.