Khách mua nhà khắp 86 thành phố Trung Quốc đồng loạt dừng đóng tiền, nguy cơ khủng hoảng lan rộng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khách hàng mua nhà của 230 dự án bất động sản trên 86 thành phố khắp Trung Quốc đang từ chối đóng tiền trước tiến độ cho những dự án chưa hoàn thành.
Khách mua nhà khắp 86 thành phố Trung Quốc đồng loạt dừng đóng tiền, nguy cơ khủng hoảng lan rộng ảnh 1

Một dự án nhà ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Tại Trung Quốc, các công ty bất động sản được phép bán nhà trước khi hoàn thiện, và khách hàng phải đóng tiền cọc trước khi chính thức nhận nhà mới. Số tiền này được các công ty dùng để hoàn thiện dự án.

Trong tuần qua, khách mua nhà của 230 dự án trên 86 thành phố khắp Trung Quốc đồng loạt từ chối đóng tiền nhà trước tiến độ, trừ khi dự án được tiếp tục triển khai, theo thông tin cập nhập theo thời gian thực của nền tảng Github trong dự án “WeNeedHome”.

Theo báo chí Trung Quốc và thông tin từ hãng thông tin bất động sản CRIC tại Thượng Hải, người mua nhà trên 18 tỉnh và 47 thành phố của Trung quốc đã dừng đóng tiền cho đến cuối tháng 6.

Ngày 14/7, Tianmu News, một trang tin chính thống của Trung Quốc, đưa tin rằng khách hàng của ít nhất 100 dự án chưa hoàn thành tuyên bố sẽ dừng đóng tiền. Những dự án này trải khắp miền trung, miền nam và miền đông đất nước. Có bài báo ước tính rằng có khoảng 46.000 người mua nhà của 14 dự án như vậy.

“Con số vẫn tiếp tục tăng”, Tianmu viết, dẫn số liệu từ một số khách hàng.

Phong trào tẩy chay diễn ra khi ngày càng nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc dừng lại vì tác động lan toả của cuộc khủng hoảng nợ từ tập đoàn Evergrande từ năm ngoái. Nhiều công ty khác cũng phải tìm kiếm sự bảo vệ từ các chủ nợ.

Giá nhà ở Trung Quốc cũng đang giảm mạnh, nghĩa là người mua có thể phải nhận bất động sản với giá trị thấp hơn so với khoản tiền mà họ đã đồng ý trả.

Các nhà phân tích sợ rằng việc khách mua hàng từ chối đóng tiền có có thể khiến nhiều công ty bất động sản vỡ nợ, gây thêm căng thẳng lên hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng phục hồi sau giai đoạn tăng trưởng chậm lại vì COVID-19.

“Bán nhà trước khi xây xong là việc phổ biến ở Trung Quốc, vì thế rủi ro rất lớn”, các nhà phân tích của hãng Nomura viết trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 14/7.

Ngày 14/7, ít nhất 7 ngân hàng lớn, trong đó có Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp, khẳng định rủi ro hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát, đồng thời cho biết đang theo dõi tình hình chặt chẽ. Vài ngày trước, giới chức Trung Quốc đã họp khẩn với các ngân hàng, Bloomberg đưa tin.

Nomura ước tính các hãng bất động sản mới bàn giao khoảng 60% nhà bán trước trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, trong khi dư nợ thế chấp tăng thêm 26,3 nghìn tỷ tệ (3,9 nghìn tỷ USD) trong cùng giai đoạn này.

Các chuyên gia lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến bất ổn tài chính và xã hội.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Citi ước tính làn sóng tẩy chay có thể khiến nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc tăng thêm 83 tỷ USD, gây ra bất ổn xã hội trong bối cảnh khủng hoảng hệ thống ngân hàng quy mô nhỏ ở nông thôn chưa được giải quyết.

Theo số liệu gần đây, giá nhà mới ở 70 thành phố của Trung Quốc giảm liên tục trong 9 tháng. Doanh số bán nhà cũng tụt dốc, khi khách mua quay lưng với thị trường do lo ngại về việc làm và thu nhập.

Khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu từ năm 2020, khi chính quyền nước này bắt đầu siết chặt tín dụng cho các công ty bất động sản, dẫn đến cơn khát tiền ở nhiều hãng bất động sản lớn.

Evergrande, hãng bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc, bị tuyên bố phá sản từ cuối năm ngoái và nay đang trong quá trình tái cấu trúc nợ. Tập đoàn này vẫn còn nhiều dự án nhà dang dở trên khắp cả nước.

Ngành bất động sản đóng góp tới 30% GDP của Trung Quốc.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...