Khách kêu mất trộm dây chuyền, kim cương tiền tỷ tại khách sạn

Chị D.T.H.N trình báo bị đánh thuốc mê lấy đi viên kim cương đang đeo trên tay tại khách sạn Vissai Saigon.
Chị D.T.H.N trình báo bị đánh thuốc mê lấy đi viên kim cương đang đeo trên tay tại khách sạn Vissai Saigon.
TPO - Khách kêu mất trộm dây chuyền vàng, kim cương tiền tỷ khi lưu trú ở khách sạn. Trong những trường hợp khách trọ mất tài sản, khách sạn có phải bồi thường?

Gần đây, dư luận xôn xao khi có nhiều người phản ánh mất tài sản lớn khi lưu trú ở một số khách sạn trên địa bàn TP.HCM. Vấn đề an toàn tại khách sạn, cũng như vấn đề bảo quản tài sản của khách đang là điều khiến dư luận quan tâm. Đặc biệt là cơ sở pháp lý về vấn đề gửi giữ tài sản cũng như trách nhiệm của khách sạn khi xảy ra mất mát tài sản của khách.

Báo mất tài sản giá trị lớn

Ngày 7/11, chị L.T.P (39 tuổi, trú Hà Nội) trình báo với công an phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo đó, vào ngày 2/7, chị cùng chồng từ Hà Nội vào TP.HCM công tác, sau đó thuê phòng 202 ở khách sạn H.Đ (trên đường Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) để lưu trú.

Sáng ngày 7/11, chị cùng chồng đi ra ngoài. Do sợ cướp giật nên chị P đã để sợ dây chuyền trong túi xách ở phòng khách sạn. Sau đó chị xuống quầy tiếp tân gửi chìa khóa phòng.

Đến khoảng 11h ngày 7/11 khi trở về khách sạn chuẩn bị đồ đạc để trả phòng, chị P phát hiện sợi dây chuyền vàng để trong túi xách (trị giá 20 triệu) "không cánh mà bay".

Ngay sau đó, chị đã xuống quầy tiếp tân của khách sạn để thông báo sự việc. Chị P cho biết, phía khách sạn tuyên bố họ không chịu trách nhiệm về việc tài sản của chị bị mất với ly do chị không gửi đồ đạc, tài sản ở quầy tiếp tân khi đi ra ngoài.

Mới đây, dư luận cũng xôn xao chuyện một quý bà tố mất viên kim cương trị giá hơn 2 tỷ đồng khi lưu trú tại khách sạn Vissai Saigon.

Cụ thể ngày 10/11, chị D.T.H.N (SN 1976, ngụ TP Hà Nội) trình báo với Cơ quan CSĐT, Công an quận Phú Nhuận (TPHCM) về việc chị lưu trú tại khách sạn Vissai Saigon (số 144 Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM) bị đánh thuốc mê lấy đi viên kim cương đang đeo trên tay trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Theo nội dung trình báo, khoảng 23h tối 7/11, chị N. từ Hà Nội vào đến TPHCM, sau đó thuê phòng 1219 của khách sạn Vissai Saigon lưu trú để giải quyết công việc.

Sáng hôm sau (8/11), chị N. rời khách sạn để đi công việc. Đến 16h30 cùng ngày bà trở lại khách sạn. Lúc này, chị N. lấy 1 chai nước suối trong phòng uống được 1/3 lượng nước trong chai.

Uống xong chị rời khỏi phòng đi công việc tiếp đến 23h cùng ngày bà trở về khách sạn ngủ. Trước khi ngủ, chị N. tiếp tục dùng chai nước lúc chiều để uống tiếp 1/3 lượng nước.

Khi uống xong, chị N. buồn ngủ và ngủ mê man. Đến 8h ngày 9/11 chị N. thức dậy thấy cơ thể mệt lả, đầu óc quay cuồng. Trong lúc này, chị N. tá hỏa phát hiện viên kim cương 3 carat, trị giá hơn 2 tỷ đồng đính trên chiếc nhẫn biến mất. Kiểm tra ngón tay đeo chiếc nhẫn chị N. phát hiện bị trầy xước và chảy máu.

Khách sạn có bồi thường?

Khách kêu mất trộm dây chuyền, kim cương tiền tỷ tại khách sạn ảnh 1

Chị P tố rằng sợi dây chuyền trị giá 20 triệu đồng để trong túi bị mất. Ảnh Việt Văn

Khách kêu mất trộm dây chuyền, kim cương tiền tỷ tại khách sạn ảnh 2

Khách sạn Vissai Saigon, nơi bà N tố bị mất viên kim cương trị giá hơn 2 tỷ đồng. Ảnh Việt Văn

Khách kêu mất trộm dây chuyền vàng, kim cương tiền tỷ khi lưu trú ở khách sạn. Trong những trường hợp này, khách sạn có phải bồi thường?

Hầu hết các khách sạn đều có bảng nội quy quy định khách thuê phòng phải kí gửi tài sản ở quầy lễ tân trước khi đi ra ngoài. Thế nhưng, ít vị khách nào quan tâm và thực hiện theo quy định này. Đa phần khi đi ra ngoài, họ chỉ gửi lại chìa khóa phòng, còn nhiều tài sản khác như laptop, điện thoại, tiền vàng để lại ở phòng. Mặt khác, phía khách sạn cũng ít khi phải nhắc nhở khách thuê thực hiện quy định này.

Vì vậy, khi xảy ra trường hợp mất tài sản trong phòng, khách sạn đều dựa vào quy định trên để từ chối trách nhiệm bồi thường cho khách. Điều này khiến nhiều vị khách bức xúc và dẫn đến những tranh chấp.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trách nhiệm chung của khách sạn là phải bảo đảm an ninh, an toàn cho khách và tài sản của khách. Để xảy ra tình trạng mất trộm ngay trong khách sạn, nhà nghỉ của mình có nghĩa là khách sạn chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ tài sản cho khách.

Về việc này, xác định trách nhiệm bồi thường của khách sạn hay không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Nếu kết quả điều tra không xác định được thủ phạm của vụ trộm thì cần xem xét giữa khách thuê với khách sạn có quan hệ gửi giữ tài sản hay không? Khách thuê phải chứng minh tài sản bị mất là tài sản hợp pháp hay không? Tài sản có tồn tại và bị mất tại khách sạn hay không? Nếu không chứng minh được các yếu tố trên thì khó ràng buộc trách nhiệm bồi thường của khách sạn.

“Còn tùy trường hợp cụ thể mà xem xét trách nhiệm của khách sạn đối với tài sản bị mất, bị hư hỏng của khách hàng. Nếu khách hàng có ký gửi tài sản tại lễ tân mà xảy ra mất tài sản thì khách sạn phải chịu trách nhiệm. Còn nếu không có giao dịch gửi giữ tài sản thì khó mà buộc khách sạn phải có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này. Vì khách sạn là dịch vụ lưu trú ngắn hạn, chứ không phải là dịch vụ gửi giữ tài sản”, luật sư Chánh phân tích.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) khuyến cáo, khách thuê khách sạn mà có tài sản lớn thì trước tiên mình phải tự bảo quản tài sản của mình. Khách cần tiến hành kê khai tài sản với khách sạn khi đến lưu trú. Đồng thời, khi ra khỏi phòng thì phải ký gửi tài sản tại quầy lễ tân. Khi khách thực hiện đúng thủ tục này tức là đã xác lập quan hệ gửi giữ tài sản và trách nhiệm trông coi bảo vệ tài sản sẽ thuộc về phía khách sạn.

Khách sạn là nơi lưu trú và khá phức tạp về an ninh, trật tự do lượt khách liên tục thay đổi. Vì vậy, khách thuê nên cân nhắc trong việc mang theo tài sản lớn khi thuê phòng. Vì khi xảy ra mất mát, hư hỏng thì để được bồi thường cũng khá khó khăn, thời gian thường kéo dài và tốn kém các chi phí khác.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.