Liên quan đến vụ ông Lê Nguyên Hưng - Nguyên Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TPHCM làm giả hồ sơ, giấy ủy quyền để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, hôm qua 24/2 trao đổi với Tiền Phong bà Bình cho biết rất muốn ngân hàng trả lại tiền mà không phải ra toà. Theo bà Bình trong quá trình gửi tiền vào ngân hàng Exinbank, bà không ủy quyền cho bất kỳ người nào rút tiền từ tài khoản của mình. Khi bà có nhu cầu rút tiền thì nhân viên ngân hàng mang chứng từ đến nhà và hướng dẫn bà ký tên để hoàn tất thủ tục tất toán vào sổ tiết kiệm đáo hạn.
Từ khi vụ việc xảy ra, bà mong muốn hai bên giải quyết ổn thỏa, hai bên không phải đưa ra tòa án. Mục đích bà Bình chỉ muốn lấy lại tiền bị ông Hưng tự ý rút. Theo C44, Bộ Công an các tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Bình bị rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền bước đầu được cho rằng là chữ ký của bà Bình.
Ngày 24/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Quyết – Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho rằng, bà Bình không đồng ý ra tòa, mà muốn được giải quyết vụ việc trong hòa bình và ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của mình. "Eximbank là ngân hàng có niêm yết nên tất cả mọi việc phải có cơ sở để còn trả lời với cổ đông. Do đó, phán quyết của tòa án mới là cơ sở pháp lý để ngân hàng có thể thực hiện được việc này. Trường hợp khách hàng không đồng ý mà muốn ngân hàng phải trả tiền ngay thì điều này phụ thuộc vào bên khách hàng và ngân hàng, sẽ có những cuộc nói chuyện với nhau”.
Còn theo đại diện truyền thông của ngân hàng Eximbank, hiện đơn vị này đã gửi văn bản phản hồi phúc đáp cho khách hàng, đúng thời gian cam kết với khách hàng, đã cử người đến làm việc với khách hàng. Hiện ngân hàng đang chờ báo cáo cũng như phản hồi chính thức từ khách hàng. Lúc đó sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí.
Vụ việc bà Bình bị mất tiền gửi tại ngân hàng Eximbank diễn ra gần một năm qua. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và Cục thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM (Cục 2) đã làm việc với ngân hàng Eximbank, yêu cầu xác định nguyên nhân và phải rà soát lại tất cả quy trình về huy động cũng như cho vay để lấp kịp thời các lỗ hổng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã yêu cầu Eximbank tiếp xúc với khách hàng để nắm thông tin, có hướng giải quyết vụ việc. Đến nay đã có kết luận điều tra và khởi tố vụ án.
Về phương án đưa ra tòa, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng đây cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện đền bù cho khách hàng. “Đối với trường hợp cụ thể này, khi vụ việc được khởi tố thì tôi nghĩ cả ngân hàng và khách hàng cần phải kiên nhẫn chờ đợi quyết định của tòa án. Dĩ nhiên trách nhiệm bồi hoàn hợp lý cho khách hàng vẫn thuộc về phía Eximbank, Ngân hàng Nhà nước tôn trọng cách giải quyết của nhà băng này. Ngân hàng niêm yết cũng có cái khó khi đưa ra quyết định cần phải thông qua cổ đông, vì vậy họ cần một cơ sở pháp lý để thực hiện”, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết.
Cũng theo ông Minh, qua vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư, thông tin tài khoản ở các ngân hàng, kể cả cho vay hay tiền gửi trong tài khoản của mình.
Theo luật sư Đoàn Việt Thắng – Đoàn luật sư Ninh Thuận trong việc này ngân hàng Eximbank phải có nghĩa vụ trả lại tiền cho khách hàng. Còn ngân hàng Eximbank muốn khởi kiện ông Hưng, đợi phán quyết của tòa thì lúc đó mới trả tiền cho khách hàng là không hợp lý. Bởi, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, nhân viên có hành vi sai trái dẫn đến thiệt hại cho khách hàng thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường, không phải chờ phán quyết của tòa án”.