Có thể bạn bị són vài giọt nước tiểu khi cười hoặc hắt hơi do dị ứng, hoặc mót tiểu và không kịp tới nhà vệ sinh. Bất kể thế nào, tiểu tiện không tự chủ cũng khiến bạn lo lắng. Hàng triệu phụ nữ đã và đang trải qua điều này ở các mức độ khác nhau. Theo bác sĩ Robert M. Centor ở trường Bác sĩ Mỹ (ACP), chứng bệnh này gặp ở 25% phụ nữ dưới 21 tuổi và ảnh hưởng nhiều hơn tới phụ nữ trung tuổi. Có khoảng một nửa số phụ nữ trên 40 tuổi tình cờ bị són tiểu.
Bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể bị són tiểu nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở những người từng mang thai, sinh nở, bị thừa cân, béo phì và người từng bị nhiễm trùng đường niệu hoặc táo bón. Tất cả yếu tố này có thể làm yếu cơ sàn chậu, khiến cho việc kiểm soát tiểu tiện trở nên khó khăn.
Vì vấn đề này rất phổ biến nhưng lại hiếm khi được quan tâm trong quá trình kiểm tra sức khỏe hàng năm nên ACP đã phát hành hướng dẫn mới giúp chị em ở mọi lứa tuổi có thể giảm hoặc loại bỏ được chứng tiểu tiện không tự chủ. Hướng dẫn này được đăng trên tờ Annals of Internal Medicine, tập trung vào cách đối phó với hai loại tiểu tiện không tự chủ: Són tiểu khi tăng áp lực, cười, ho hoặc hắt hơi; và són tiểu gấp bởi bất ngờ muốn đi vệ sinh mà không kịp vào nhà vệ sinh.
Nếu bạn bị són tiểu do tăng áp lực, biện pháp phòng ngừa hàng đầu là các bài tập kegel. Bài tập chỉ đơn giản là siết chặt và thả lỏng nhóm cơ mu cụt một cách tuần tự trong vài phút. Theo hướng dẫn này, loại bài tập cơ sàn chậu kegel vừa giúp bạn có cơn cực khoái mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng rất hiệu quả trong việc thắt chặt các cơ trong bàng quang, hạn chế khả năng bị són tiểu. Điều tuyệt vời của phương pháp kegel là không tốn kém và không có tác dụng phụ.
Đối với phụ nữ bị són tiểu gấp, ACP khuyến nghị bạn nói chuyện với bác sĩ về các bài tập bàng quang giúp kiểm soát mót tiểu gấp và dự phòng tai nạn rò rỉ nước tiểu. Nếu không tập luyện, ACP khuyến nghị dùng các thuốc kê đơn. Trường hợp bạn bị béo phì, giảm cân và tập luyện có thể là biện pháp hàng đầu giúp tránh tiểu tiện không tự chủ. Centor cho biết: “Thừa cân làm tăng áp lực lên bàng quang, vì vậy cảm giác muốn đi tiểu lớn hơn và khó kiểm soát”.
Theo Hải Ngân