Khắc khoải chờ máu

Hải chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội vì chưa được truyền huyết tương giúp đông máu
Hải chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội vì chưa được truyền huyết tương giúp đông máu
TP - Giường bệnh của Khoa Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) những ngày cận Tết vẫn chật ních bệnh nhi. Các em khắc khoải chờ máu.

> Huy động cán bộ nhân viên hiến máu tình nguyện
> Nối tiếp những nghĩa cử cao đẹp

Hải chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội vì chưa được truyền huyết tương giúp đông máu
Hải chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội vì chưa được truyền huyết tương giúp đông máu.

Ngồi lặng lẽ ở góc giường bệnh, Vũ Mạnh Quỳnh đã 12 tuổi nhưng nom nhỏ thó như trẻ lớp 1. Học lớp 7 nhưng Quỳnh chỉ nặng 24 cân, bé nhất lớp. Năm ngoái khi mổ ruột thừa, các bác sĩ phát hiện thêm chứng lách to vì suy tủy của cậu.

Nhập Bệnh viện Nhi T.Ư, các bác sĩ chỉ định cắt lách để ổn định sức khỏe, nhưng khi vào phòng mổ nước da cậu bé xanh xao lạ thường. Kết quả xét nghiệm thấy lượng tiểu cầu trong máu quá thấp, không đảm bảo chịu đựng được ca phẫu thuật. Vậy là Quỳnh được đưa về khoa Huyết học và Truyền máu để được truyền tiểu cầu.

Nhưng đã một tuần nay, hai mẹ con Quỳnh luôn sống trong tâm trạng chờ đợi được truyền máu. Chỉ khi nào truyền đủ lượng tiểu cầu cần thiết Quỳnh mới được mổ cắt lách. Nở nụ cười hiếm hoi suốt cuộc nói chuyện, Quỳnh bảo: “Cô ơi con nhớ nhà lắm mà không có máu thì con không được về, làm sao có máu được hả cô?”. Xung quanh Quỳnh, không ít bệnh nhi đang chờ đợi như thế…

Tạ Văn Hải, 9 tuổi (ở Thái Nguyên) liên tục vật vã đau đớn. Chị Nguyễn Thị Luyện luôn tay xoa đầu cho con. Hải được phát hiện mắc bệnh máu không đông (Hemophilia A) khi mới 1 tuổi rưỡi. Căn bệnh quái ác khiến cậu bé cứ bị ngã hay va đập là chảy máu ở các khớp. Bệnh máu không đông khiến máu không ngừng chảy trong não cậu bé.

Nhập viện, các bác sĩ chỉ định truyền huyết tương để cầm máu. Nhưng đã 4 ngày trôi qua, Khoa chưa có huyết tương để truyền. Mấy năm trước, đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, Hải bị ngã dập môi, máu chảy mãi không ngừng, phải lên Bệnh viện Nhi điều trị. Nhưng rồi bệnh viện không có máu. May mà lần đó cần ít máu nên người mẹ đã hiến đủ máu để con được trị bệnh.

Truyền máu cầm chừng

TS Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học và Truyền máu đưa ra cuốn sổ theo dõi bệnh nhân truyền máu. Riêng ngày 3-1 có tới 42 bệnh nhi nội trú, một nửa trong số đó cần truyền máu gấp để duy trì sức khỏe. Những ngày cận Tết có khoảng 30 bệnh nhi ngoại trú đến truyền máu. Khoa đang quản lý hồ sơ của hơn 1.500 bệnh nhi cần truyền máu suốt đời.

Nhu cầu tại Khoa Huyết học và Truyền máu cần khoảng 500 đơn vị máu cho những ngày cận Tết Nguyên đán, nhưng số lượng đáp ứng được chưa bao giờ vượt quá được 50% nhu cầu và càng không bao giờ có máu để dự trữ.

Đã bao năm rồi, cảnh bệnh nhân đến để truyền máu nhưng lại ra về vì không có máu đã trở nên quá quen thuộc ở nơi này.

Bác sĩ Trực ái ngại: “Nhìn bọn trẻ thiếu máu, người xanh xao, sức khỏe xấu đi nhiều, các bác sĩ đều buồn nhưng chẳng biết làm sao vì lượng máu có hạn”.

Mỗi khi đến Tết Nguyên đán, nhu cầu truyền máu của bệnh nhân lại tăng lên bởi gia đình nào cũng muốn con cái họ được mạnh khoẻ trong những ngày Tết, bằng giá nào cũng đưa con đến bệnh viện để được truyền máu, dù ít hay nhiều. Trong khi bệnh nhân nhiều mà người cho máu quá ít khiến tình trạng thiếu máu bao năm nay chưa được giải quyết.

Tại Khoa Huyết học và Truyền máu chưa bao giờ có đủ máu để truyền cho bệnh nhi. Bác sĩ Trực chia sẻ: “Chúng tôi chỉ truyền một lượng máu đủ để duy trì sự sống cho các cháu, giúp đỡ mệt chứ không bao giờ đủ máu để truyền giúp chúng phát triển bình thường được”.

Chu Nhat Do - Bao Tien Phong
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG