Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc - Alibaba đã đạt doanh thu vượt dự báo trong quý I năm nay, khi tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo công bố cuối tuần trước. Đà tăng kỷ lục của họ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp kinh tế Trung Quốc đang ì ạch.
Tuy nhiên, cổ phiếu Alibaba lại mất gần 9% trong 12 tháng trở lại đây. Trong khi đó, đối thủ tại Mỹ của họ - Amazon lại tăng 55%.
Jack Ma - nhà sáng lập kiêm chủ tịch Alibaba. Ảnh: Reuters
1. Alibaba bán quảng cáo, Amazon bán sản phẩm
Amazon thành lập năm 1995 và là ngôi sao trong đợt bùng nổ công ty Internet đầu tiên trên thế giới. Mô hình hoạt động của họ hoàn toàn trực tuyến. Ba phần tư doanh thu Amazon đến từ bán thiết bị điện tử và các loại hàng hóa nói chung. Chỉ 23% là đến từ cung cấp các nội dung kỹ thuật số. Ví dụ như Amazon Prime - gói thuê bao hàng năm cho phép người dùng tiếp cận các nội dung trực tuyến, cũng như giảm giá vận chuyển cho khách hàng. Một phần doanh thu đến từ các bên thứ 3 bán hàng trên Amazon, mà hãng nhận dưới dạng tiền hoa hồng.
Trong khi đó, mô hình của Alibaba là điều hành nhiều website thương mại điện tử nhằm vào các đối tượng người bán khác nhau. Tổng cộng, các website này có 423 triệu người mua và đóng góp 80% thị phần thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Trái lại, môi trường tại Mỹ đông đúc hơn, nên Amazon chỉ đóng góp 30% thị phần trong nước. Theo cách nhìn này, hãng còn nhiều khả năng phát triển. Tăng hiện diện trong nước hoặc nước ngoài có thể là con đường khá dễ dàng. Dịch vụ Amazon Prime cũng đang chứng tỏ là một động cơ tăng trưởng.
Website lớn nhất trong hệ thống của Alibaba - Taobao là chợ điện tử miễn phí, kết nối người bán và người mua, tương tự eBay nhưng không có hoạt động đấu giá. Alibaba lấy doanh thu từ việc bán quảng cáo và kết quả tìm kiếm. Theo cách này, mô hình của họ khá giống PageRank của Google.
Tốc độ phát triển gần đây của Alibaba chủ yếu dựa trên tăng trưởng mua sắm qua di động, với giá trị mua hàng hơn 2 tỷ USD quý trước - tăng gần 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này cũng đang mở rộng thị trường sang các thành phố lớn của Trung Quốc và các vùng nông thôn.
Dù kinh tế Trung Quốc còn nhiều dấu hiệu trì trệ, Alibaba vẫn nhận thấy tăng trưởng trong tiêu dùng. Việc này không hề mâu thuẫn, nếu xem xét trên góc độ người bán. Khi tiêu dùng qua các kênh truyền thống co lại, người bán chuyển sang các nền tảng của Alibaba để tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn, cả tại Trung Quốc và thế giới.
2. Lợi nhuận kinh doanh và giá cổ phiếu không đi kèm với nhau
Jeff Bezos - CEO hãng thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Reuters
Rất nhiều nhà đầu tư sẽ hỏi: Vậy tôi nên mua cổ phiếu Alibaba hay Amazon? Alibaba có vẻ lợi nhuận cao hơn, nhưng đang gặp khó do cải cách kinh tế trong nước và khó tìm khách hàng mới. Trong khi đó, Amazon đạt lợi nhuận ròng gần 600 triệu USD trong tài khóa 2015. Nhưng chính kỳ vọng vào thành công của hãng này đã đẩy cổ phiếu lên quá cao.
Cổ phiếu Amazon đã tăng gần 60% trong 12 tháng qua, chủ yếu nhờ đà tăng cuối tháng 4, sau khi công bố lợi nhuận quý I vượt dự báo. Trong khi đó, Alibaba và S&P 500 đều đi xuống. Lợi nhuận của Alibaba giảm nhẹ so với ước tính của giới phân tích.
Trên CNBC, nhà đầu tư nổi tiếng bán khống - Jim Chanos thì vẫn giữ nguyên lập trường bán của ông với Alibaba: "Chỉ đơn giản là chúng ta không thể hiểu họ lời lãi hay thua lỗ đến đâu".