Có vị lãnh đạo ngành y tế tổ chức các cuộc ký kết xây dựng “làng, xã sức khỏe” khá hoành tráng.
Thế nhưng, ngành y tế vẫn luôn bị bất ngờ với các dịch bệnh xảy ra ở mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị. Việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân không được cải thiện, bệnh viện công luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp.
Có vị lãnh đạo ngành giao thông vận tải nêu ra nhiều chương trình, dự án phát triển nghe “sướng tai”. Thực tế, giao thông vận tải ngày càng trắc trở, những vấn đề của giao thông vận tải ngày càng bế tắc, đã trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển.
Các vị lãnh đạo trên có thể đã giải quyết được một số vụ việc cụ thể song ở vai trò thiết lập các cơ chế, mô hình có khả năng tự hoàn thiện để thúc đẩy xã hội phát triển, hoàn thiện xã hội thì chưa rõ. Mà vế sau mới thể hiện năng suất lao động của người lãnh đạo. Năng suất lao động ở đây còn thấp. Và xã hội lại nghe rất nhiều những lời “kêu khó”.
Tâm lý “kêu khó”, tư duy “kêu khó” dường như là nguyên nhân của tăng trưởng thấp. Ở đâu hay “kêu khó” dứt khoát ở đó chậm phát triển, thậm chí trì trệ, thụt lùi. Nhà văn hay “kêu khó” sẽ không có tác phẩm đích thực, nhà báo hay “kêu khó” cũng không có được những bài báo nóng hơi thở cuộc sống nhân dân. Người hay “kêu khó” ở bất cứ lĩnh vực nào dường như đều dẫn tới năng suất lao động thấp.
Năng suất lao động ở thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là khối lượng đạt được trên một đơn vị thời gian mà còn phải tuân thủ quy trình chung để giảm bớt hao phí xã hội. Có vẻ những người hay “kêu khó” cũng ít hiểu điều này. Nên có anh phóng viên viết được nhiều tin, bài, ngày nào cũng xuất hiện trên mặt báo. Anh tự cho rằng mình làm việc đạt năng suất cao.
Tuy nhiên, bài viết của anh rất lủng củng lại có nhiều lỗi chính tả, sản phẩm đưa lên mặt báo là nhờ qua nhiều khâu biên tập, chỉnh sửa. Như thế chi phí biên tập, chi phí quản lý ở trong các bài báo của anh là rất lớn, hao phí không đáng có của tập thể cho bài báo của anh rất cao.
Anh “kêu khó” là do cuối ngày, thời gian gấp gáp. Dù sao, xét trên hao phí tập thể, năng suất lao động ở đây không cao.
Khi mọi người đồng thanh “kêu khó” mà không nỗ lực nâng cao năng suất lao động thì có lẽ đất nước khó phát triển nhanh, dù đã vào WTO.