Kết quả đạt được từ các biện pháp tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá

Kết quả đạt được từ các biện pháp tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá
TP - Nhu cầu được hỗ trợ cai thuốc lá trong cộng đồng rất cao với tỷ lệ 70% người đang hút thuốc lá cho biết có ý muốn cai thuốc lá và hàng năm 40% số người hút thuốc lá cai thuốc lá ít nhất 1 ngày. Ngoài ra, cơ hội can thiệp hỗ trợ cai thuốc lá từ nhân viên y tế cũng rất cao vì ít nhất 70% người hút thuốc lá có khám sức khỏe hàng năm.   

Nhiều nghiên cứu cho thấy lời khuyên cai thuốc lá từ nhân viên y tế được xem là động lực quan trọng giúp người nghiện thuốc lá thử cai thuốc lá.

Tại Việt Nam, số liệu điều tra toàn cầu năm 2015 (GATS) cho thấy có 53,6% người đang hút thuốc có kế hoạch hoặc có ý định bỏ thuốc trong tương lai. Khảo sát năm 2006 tại 5 tỉnh thành phố Việt Nam cho kết quả có 75% học sinh đang hút thuốc lá trong độ tuổi 13-15 muốn cai thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc lá tại quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng muốn cai thuốc lá là 77%. Và có 87% bệnh nhân COPD đến khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM có mong muốn cai thuốc lá.

Tuy nhiên, các biện pháp tư vấn điều trị cai thuốc lá do WHO khuyến cáo chưa được triển khai rộng rãi. Dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá hoàn chỉnh chỉ hiện diện ở 9 quốc gia, đáp ứng nhu cầu 5% dân số toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong số người hút thuốc lá khi đi khám bệnh, 45,6% được cán bộ y tế hỏi về tình trạng hút thuốc lá, 40,5% được cán bộ y tế khuyên cai thuốc lá, chỉ 3% được tư vấn cai thuốc lá và 0,4% được kê thuốc cai thuốc lá. Nghiên cứu tại TPHCM cho thấy tỷ lệ biết các biện pháp tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá do WHO khuyến cáo là 11% trong số 345 sinh viên y khoa năm thứ ba của Đại học Y dược TPHCM năm 2006 và 10% trong số 626 nhân viên y tế của bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM năm 2008. Vì thế, chỉ 17,3% nhân viên y tế tự tin có khả năng hỗ trợ người hút thuốc lá cai thuốc lá, 31,6% luôn đưa ra lời khuyên cai thuốc lá nhưng chỉ 16,3% bác sỹ thực sự tư vấn biện pháp cai thuốc lá cho người hút thuốc lá tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM. Tại khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, 4% người hút thuốc lá được bác sỹ hướng dẫn cụ thể cách cai thuốc lá. Nghiên cứu tại Hà Nội năm 2004 cho thấy 89,9% trong số 539 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết cán bộ y tế cần được đào tạo cụ thể về phương pháp cai nghiện thuốc lá.

Từ năm 2015, Quỹ đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai 1800-6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh số 1800-1214, đồng thời hỗ trợ 08 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá. Các hoạt động tập trung vào việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sỹ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá, truyền thông về tác hại thuốc lá và lợi ích của cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Đến nay, với mạng lưới nhân viên tư vấn được tuyển dụng và đào tạo bài bản và sự cộng tác, hỗ trợ của các bác sỹ, điều dưỡng tại các khoa lâm sàng, hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá được duy trì hiệu quả. Từ năm 2015-2018, đã có tổng số 30.273 lượt cuộc gọi được tư vấn cai nghiện thuốc lá qua tổng đài, 6.087 người có hồ sơ theo dõi cai nghiện thuốc lá và đồng ý tiếp nhận tư vấn theo chương trình tư vấn chủ động qua điện thoại. Bệnh viện cũng đã thực hiện tư vấn ngắn trực tiếp 1.896 bệnh nhân và tư vấn chuyên sâu trực tiếp cho 974 bệnh nhân tại phòng khám tư vấn cai nghiện thuốc lá và tại các khoa lâm sàng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện chương trình cai thuốc lá chủ động nhằm hỗ trợ tư vấn định kỳ cho các bệnh nhân tư vấn và theo dõi quá trình cai thuốc lá. Theo báo cáo của bệnh viện, trong tổng số 7.087 bệnh nhân được tư vấn và theo dõi quá trình cai nghiện thuốc lá, có tổng số 670 bệnh nhân cai thuốc lá thành công trong 1 năm trở lên chiếm tỷ lệ 9,5%. 

Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho các cán bộ y tế, trong đó có 206 giảng viên nòng cốt và 1.248 cán bộ y tế tại 63 tỉnh, thành phố được đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn. Các hoạt động truyền thông cũng được thực hiện để quảng bá tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá 1800-6606 và cung cấp kiến thức về tác hại thuốc lá và lợi ích của cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân và cộng đồng. Giai đoạn 2015-2018, bệnh viện đã tăng cường các hình thức truyền thông đa dạng như xây dựng và phát sóng 11 phóng sự trên VTV1, xây dựng và phát sóng 11 chương trình khoa giáo và 3 chương trình tọa đàm về cai nghiện thuốc lá trên truyền hình; quảng bá tổng đài trên VOV giao thông Hà Nội và TPHCM, thực hiện 14 tọa đàm và 14 chương trình khoa giáo trên đài phát thanh; xây dựng và đăng trên fanpage facebook và youtube của tổng đài các video clip, bài viết; tổ chức 480 buổi truyền thông trực tiếp cho 16.703 bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Bạch Mai, in ấn và cấp phát 58.800 tờ rơi về cai nghiện thuốc lá.

MỚI - NÓNG