Kết nối mạnh mẽ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP
TPO - Trong hai ngày 27 và 28/8, gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; 60 đại biểu từ gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 quan chức, học giả Việt Nam và 70 phóng viên thuộc nhiều hãng tin trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba tại Hà Nội.

Hội thảo có chủ đề “Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực” do Quỹ Ấn Độ (India Foundation) phối hợp với Học viện Ngoại giao của Việt Nam tổ chức.

Hội thảo hướng tới việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cũng như tính kết nối của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương thông qua thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh trong cấu trúc khu vực đang định hình từ đó đề xuất các nội dung hợp tác giữa các nước liên quan về xây dựng lòng tin, tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, quản trị biển và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.

Kết nối mạnh mẽ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ảnh 1 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe,Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại phiên khai mạc tối 27/8. Ảnh: L.A
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav; Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đều chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, với vai trò trung tâm của ASEAN, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam nói riêng không chỉ là kết nối trên biển mà còn là sự chia sẻ về tầm nhìn, mong muốn về một cơ chế khu vực tạo điều kiện giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hướng tới việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, hợp tác, phát triển cho các quốc gia. Theo hướng đó, Hà Nội là một địa điểm phù hợp cho việc tổ chức Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba.

Chia sẻ ý kiến này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.

Phó Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mong muốn về một khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Tiếp nối ý kiến này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Nepal cho rằng dù hội tụ những nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất, nhưng đây lại là một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới với nhiều thách thức, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, thách thức về an ninh, an toàn hàng hải, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Ngoại trưởng Singapore cho rằng khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác, trong đó thương mại trên biển vẫn là một ưu thế vượt trội đối với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ Dương cũng có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế.

Kết thúc phiên khai mạc, Thủ tướng Sri Lanka nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương là định mệnh của thế kỷ 21, đồng thời, đây chính là thời điểm quan trọng để khu vực hướng đến biển và là cơ hội để châu Á thúc đẩy mô hình của mình; cho rằng trật tự hàng hải khu vực cần mang tính bao trùm với nền tảng là chủ nghĩa đa phương cùng với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực.

Việc đối tác Ấn Độ chọn mời Việt Nam tham gia tổ chức hội thảo không chỉ thể hiện ưu tiên của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam mà còn phản ánh năng lực kết nối của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương – châu Á-Thái Bình Dương. 

Đối với Việt Nam, việc tổ chức hội thảo lần này sẽ góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ; tăng cường hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, có trách nhiệm trong việc xây dựng cấu trúc khu vực và có lợi cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Ngày 28/8, Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng và quan chức cấp cao.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.