Kế toán và Kinh tế, nên chọn ngành nào?

Kế toán và Kinh tế, nên chọn ngành nào?
TPO - Làm thế nào để lựa chọn được ngành học như ý muốn? Đây là băn khoăn của rất nhiều thí sinh trước mỗi mùa tuyển sinh.

Hỏi: Em đang băn khoăn lựa chọn giữa ngành kế toán và kinh tế. Em nên chọn ngành nào để có lợi cho công việc sau khi ra trường?

Trả lời:
Muốn học ngành Kế toán, trước tiên  phải hiểu rõ Kế toán là gì? Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cơ sở kinh doanh tư nhân...Đây là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cho đến quản lý ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Từ khái niệm Kế toán là gì, chúng ta có thể xác định được đối tượng của Kế toán chính là sự hình thành, biến động của tài sản mà kế toán cần phản ánh, được thể hiện ở hai mặt là tài sản và nguồn vốn trong quá trình hoạt động của đơn vị.

Kế toán được chia thành hai loại:

- Kế toán công: là kế toán tại những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy doanh lợi làm mục đích hoạt động như các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước...

- Kế toán doanh nghiệp: là loại kế toán ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời.

Sinh viên Kế toán sẽ được cung cấp kiến thức về khung pháp lý của kế toán kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế; các quy định về đạo đức nghề nghiệp của kế toán kiểm toán; kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán: tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài các kiến thức nên tảng, tổng quan sinh viên học ngành kế toán còn được trang bị kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian…

Kinh tế: Đây là ngành khoa học xã hội chuyên nghiên cứu về các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ dưới góc nhìn toàn cảnh. Bạn sẽ được học cách phân tích và đánh giá sự tương quan và ảnh hưởng của tất cả mọi hoạt động kinh doanh lên nền kinh tế chung của xã hội.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế cung cấp những kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tốt, có phẩm chất chính trị, đạo đức tư cách tốt, có sức khỏe, có khả năng làm việc độc lập và sáng tạo, có đủ trình độ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo học ngành Kinh tế, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức sâu rộng, hiện đại về kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế học ứng dụng, có khả năng vận dụng các lý thuyết kinh tế để phân tích, đánh giá các hoạt động kinh tế, có khả năng tổ chức và quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và tổ chức các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội; có khả năng nghiên cứu và học tập ở bậc cao hơn.

Bên cạnh đó, khối ngành về Kinh tế rất rộng và đào tạo rất nhiều nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy, tùy vào mục đích của từng trường sẽ có chương trình đào tạo khác nhau, ngoài các kiến thức tổng quan về Kinh tế học thì các trường còn đào tạo các kiến thức chuyên sâu như các chuyên ngành Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Kinh tế đầu tư, Kinh tế phát triển, Thương mại quốc tế...

Theo ông Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, học ngành kế toán là học nghề, sau này ra trường làm nghề kế toán viên, kiểm toán viên sẽ có chứng chỉ hành nghề như luật sư, bác sỹ...

Còn học kinh tế rộng hơn, có thể làm nhiều vị trí nhưng thường không có nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp bạn nào năng động thích kinh doanh.

Vì vậy, thí sinh nên tìm hiểu kỹ hai ngành này, đồng thời, dựa vào khả năng, sở thích để lựa chọn được ngành phù hợp với mình nhất.

Bạn đọc, thí sinh có thắc mắc, nhu cầu tư vấn tuyển sinh vào các trường ĐH năm 2020, xin gửi câu hỏi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo địa chỉ hộp thư: online@baotienphong.com.vn. 

MỚI - NÓNG