Kế hoạch quốc tang 10 ngày ông Nelson Mandela

Kế hoạch quốc tang 10 ngày ông Nelson Mandela
TPO - Nam Phi sẽ tổ chức quốc tang 10 ngày, bắt đầu từ 5/12, để vĩnh biệt cố tổng thống Nelson Mandela. Lễ an táng ông Nelson được tổ chức ngày 15/12 tại quê hương ông (Qunu, Umutata, tỉnh Easten Cape).

> Giới trẻ thương tiếc huyền thoại Nelson Mandela
> Nelson Mandela qua đời: 'Nguồn sáng' vĩ đại đã tắt

Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4

Lễ tang cố tổng thống Nam Phi được tổ chức theo nghi lễ truyền thống của bộ tộc Thembu ở quê hương ông. Các bô lão của bộ tộc này sẽ tiến hành lễ “vuốt mắt” cho ông Mandela tại nhà riêng hoặc trong nhà xác.

Trong suốt buổi lễ, họ sẽ nói chuyện với ông Mandela, cũng như tổ tiên của ông để trình bày những gì xảy ra trong cuộc đời ông.

Sau buổi lễ, thi hài cố tổng thống được đưa đến bệnh viện quân y ở Pretoria và các chuyên gia sẽ tiến hành ướp xác.

Ngày thứ 5

Bắt đầu từ ngày thứ 5, hàng ngàn người dân có thể đến viếng cố tổng thống tại sân vận động FNB, Soweto. Ông Mandela đã xuất hiện lần cuối trước công chúng tại đây khi Nam Phi tổ chức World Cup, tháng 7/2010.

Tuy nhiên, hiện tại, việc linh cữu cố tổng thống có được đưa đến đây không vẫn chưa được thông báo chính thức.

Ngày thứ 6 đến ngày thứ 8

Theo các nguồn tin, trong ba ngày này, linh cữu ông Mandela sẽ được đặt tại tòa nhà Liên bang ở Pretoria, nơi ông từng nhậm chức tổng thống.

Các quan chức cấp cao sẽ viếng ông vào mùng 6, 7 và 8/12.

Ngày thứ 9

Một máy bay quân sự sẽ chở gia đình ông Mandela, các bô lão Thembu và linh cữu ông Mandela tới thị trấn Mthatha, trung tâm tỉnh Eastern Cape.

Khi đến quê hương ông, linh xa có thể sẽ dừng lại dọc đường để người dân bày tỏ lòng tôn kính và cầu nguyện cho vị lãnh tụ vĩ đại của lòng dân.

Ngày thứ 10

Lễ tang và an táng ông Nelson sẽ diễn ra tại quê nhà. Đặc biệt, lễ tang sẽ được tổ chức dưới chân những ngọn đồi, nơi mà ông từng chơi ở đó khi còn nhỏ.

An ninh sẽ được thắt chặt và đảm bảo. Vào buổi trưa, lễ an táng sẽ diễn ra. Chỉ những người thân sẽ được ở lại tiễn đưa ông Mandela trước khi ông yên nghỉ.

Ông Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918 tại Mvezo, một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Umtata, thủ phủ của Transkei.

Ông giữ chức Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.

Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid.

Năm 1962, ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng một số tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân.

Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian (18 năm) ở nhà tù Đảo Robben.

Sau khi được trả tự do vào ngày 11/ 2/1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc.

Tại Nam Phi, Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba, một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng.

Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.

Phạm Linh - Phan Yến
Theo CNN, Tân Hoa Xã

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).