Kẽ hở trong phiên thoái vốn

Phiên mua 50,49% cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, nhà đầu tư được cho là cố tình vi phạm. Ảnh: Như Ý.
Phiên mua 50,49% cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, nhà đầu tư được cho là cố tình vi phạm. Ảnh: Như Ý.
TP - Tiến trình thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp đang diễn ra quyết liệt. Thế nhưng đâu đó trong những phiên thoái vốn, vẫn tồn tại kẽ hở, khi có những nhà đầu tư không tên tuổi sẵn sàng chi cả trăm, cả ngàn tỷ đồng mua doanh nghiệp theo phương thức giao dịch khớp lệnh, sau đó mới báo cáo cơ quan quản lý và chấp nhận chịu phạt. Vì sao vậy?

Cố tình vi phạm

Những ngày cuối tháng 3, bốn nhà đầu tư cá nhân chi ra hàng trăm tỷ đồng để sở hữu cổ phần của Cty Bánh kẹo Hải Hà (Mã CK: HHC) và Cty Thực phẩm Hữu Nghị (Mã CK: HNF), sau khi Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) - công ty mẹ của cả 2 đơn vị trên đăng ký thoái toàn bộ lượng cổ phiếu đang sở hữu.

Như Tiền Phong đã đưa tin, vào ngày 17 và 22/3/2017, ông Vũ Hải và bà Nguyễn Thị Duyên, hai nhà đầu tư cá nhân bất ngờ chi ra khoảng 155 tỷ và 405 tỷ đồng để mua vào lần lượt 3,9 triệu và 8,37 triệu cổ phiếu HHC của Bánh kẹo Hải Hà. Hai cá nhân sau đó trở thành người chủ mới của doanh nghiệp bánh kẹo hơn 55 năm lịch sử với sở hữu lần lượt là 23,7% và 50,9% vốn điều lệ.

Với trường hợp của Thực phẩm Hữu nghị, ngày 21/3, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lưu Thanh Tâm đã mua vào tổng cộng 6 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu sau giao dịch lần lượt là 20% và 10%. Với thị giá cổ phiếu HNF ở mức hơn 44.000 đồng, ước tính 2 nhà đầu tư này đã chi ra 176 tỷ và 88 tỷ đồng cũng theo phương thức khớp lệnh. 

Trao đổi với Tiền Phong, một  đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sau 1 ngày  kiểm tra đã thừa nhận thực tế đúng là có dấu hiệu nhà đầu tư Nguyễn Thị Duyên đã không thực hiện chào mua công khai. “Trong báo cáo giao dịch tháng 3/2017, chúng tôi đã đưa vào thống kê giao dịch của bà Duyên có vi phạm và trình lên Ủy ban Chứng khoán xem xét. Việc xử lý sẽ thuộc thẩm quyền ủy ban”, vị này nói. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Thị Chân Phương cho biết, nếu đúng nhà đầu tư đã mua trên 50% cổ phần và không thực hiện theo quy định, nghĩa là có dấu hiệu cố tình vi phạm. “Bên Thanh tra Ủy ban Chứng khoán đang xem xét. Nếu vi phạm Ủy ban sẽ xử phạt”, bà Phương nói. 

Luật Chứng khoán và Nghị định 58 quy định bắt buộc thực hiện chào mua công khai đối với các doanh nghiệp đại chúng. Theo đó, nhà đầu tư muốn mua từ 25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trở lên của một doanh nghiệp đại chúng, phải thực hiện chào mua công khai. Trước hiện tượng này, thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần tăng cường giám sát để đảm bảo tính minh bạch hơn phần vốn Nhà nước bán đi tại nhiều doanh nghiệp.

Kẽ hở trong phiên thoái vốn ảnh 1 Bốn nhà đầu tư cá nhân chi ra hàng trăm tỷ đồng để sở hữu cổ phần của HHC&HNF khi Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam thoái toàn bộ vốn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Mua để ngắm “đất vàng”

Tiến trình cổ phần hóa đang diễn ra quyết liệt, trong phiên họp Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp đầu tuần tháng 4 này, Phó  Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lưu ý: Trong thời gian tới, cần tăng cường thanh kiểm tra giám sát không để xảy ra thất thoát vốn. “Đặc biệt phải làm công khai, minh bạch không để xảy ra tiêu cực trong thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Thế nhưng thực tế, đang có những phiên thoái vốn mới “công khai một nửa”. 

Sau khi Cty mẹ Vinataba thoái toàn bộ vốn, những người chủ mới của hai doanh nghiệp này sớm muộn sẽ xuất hiện. Cổ phần của Bánh kẹo Hải Hà có gì hấp dẫn đến vậy? Ngoài việc được đánh giá là một trong những nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam và chiếm thị phần lớn ở miền Bắc (doanh thu năm 2016 là 855 tỷ đồng), “soi” trong khối tài sản của doanh nghiệp này lộ ra một trong những “miếng ngon” là dự án tại 25-27 Trương Định. Theo đó, vào tháng 7/2012, Hải Hà đã ký hợpđồng thực hiện dự án “Hợp tác đầu t¬ư xây dựng tổ hợp đa chức năng tại 25-27 Tr¬ương Định, Hà Nội” với Liên danh Cty Cổ phần hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và Cty TNHH một thành viên đầu tư­ xây lắp và phát triển nhà. Tuy nhiên, dự án không thực hiện theo đúng tiến độ và phải đổi nhà đầu tư. Hiện, UBND thành phố Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch cho khu đất dự án này và mảnh đất “vàng” thênh thang có vị trí đắc địa vẫn nằm treo đó. 

Ngoài đợt thoái vốn nhà nước của Vinataba, các lãnh đạo 2 doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo này đã đồng thời cùng đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu đang sở hữu. Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, có thể đây là động thái dự báo sự thay đổi cơ cấu quản lý doanh nghiệp trong tương lai. 

Trong khi đó, một nhà đầu tư thạo tin khác lại cho hay: Những nhà đầu tư cá nhân trên bỏ tiền trăm tỷ đồng ra mua cổ phần trên thực chất chỉ đứng tên “ôm” cho tay to phía sau. “Phía sau phiên mua cổ phần của bánh kẹo Hữu Nghị, nghe đồn đó là một tên tuổi không xa lạ trong giới tài chính và bất động sản Hà Nội”, vị này nói. 

Theo Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến hết quý I/2017, đã sắp xếp cổ phần hoá (CPH) được 8 DNNN; đã công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hoá 41 DN; đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của 108 DN. Về thoái vốn DNNN, tính đến hết ngày 25/3/2017 cả nước đã thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại 10 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 71,8 tỷ đồng (bằng 12,5% so với cùng  kỳ năm 2016), thu về 72,8 tỷ đồng; trong số 10 DN có 6 DN phải thoái dưới mệnh giá.

MỚI - NÓNG