Ông Phạm Sỹ Liêm - Ảnh: Hải Đăng |
Bên lề Hội thảo “Quy hoạch, đầu tư và vận hành kết cấu hạ tầng xây dựng”, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Nhiều người cho rằng vụ tiêu cực PCI ở dự án đại lộ Đông- Tây đáng lẽ phải được phát hiện từ rất lâu, thưa ông?
Tôi cho rằng vừa rồi chúng ta quyết định khởi tố vụ án là việc cần phải làm. Những thông tin liên quan đến vụ tiêu cực phía Nhật Bản đã có cách đây gần nửa năm đủ để chúng ta thẩm định kỹ càng. Tất nhiên khi phía Nhật cung cấp thông tin, phía ta phải điều tra. Tuy nhiên, theo tôi đến giờ ta mới khởi tố là quá chậm. Vấn đề xử lý chậm sẽ làm giảm hiệu quả răn đe.
Theo ông để xảy ra sự việc này phải chăng trong khâu đấu thầu đã có kẽ hở?
Chúng ta ngày càng giảm thiểu sơ hở trong khâu đấu thầu. Nhưng phải nói rằng sơ hở vẫn còn. Và kẽ hở lớn nhất là sự thiếu minh bạch. Thực tế hiện nay, có thể đấu thầu với giá rất thấp nhưng chưa chắc giá thấp đã phải là giá của hai bên thoả thuận.
Giá ký kết hợp đồng mới là giá thật. Giá này thường cao hơn giá đấu thầu nhưng thường không được công bố. Trong dự án đại lộ Đông- Tây điều này được thực hiện ra sao? Tôi cũng nhấn mạnh, khi chúng ta minh bạch thông tin, cho phép nhiều đơn vị tham gia đấu thầu, họ sẽ tự giám sát lẫn nhau, giảm tiêu cực.
Tư vấn giám sát quyền to nhưng vẫn lọt
Dù đã có quy định rõ trách nhiệm của từng bộ trong việc quản lý vốn ODA, vậy tại sao tiêu cực vẫn xảy ra, thưa ông?
Quy trình, quy định cũng như luật, phải có người kiểm tra. Bên A, bên B, bên tư vấn giám sát hoặc những người có chức trách không hoàn thành chức trách, bỏ bê công việc; hoặc có đến, có mặt, có làm song lại thông đồng với nhau… Văn bản pháp luật còn kẽ hở, song nếu tuân thủ đúng quy định chưa chắc đã có nhiều chuyện đến vậy.
Các dự án có vốn ODA đều có tư vấn giám sát quốc tế của bên cho vay, vậy tại sao các sai phạm rất ít bị phanh phui?
Họ là tư vấn của bên cho vay vốn và những giám sát viên có quyền rất to, chẳng hạn phát hiện thấy sai phạm, họ yêu cầu nhà thầu sửa chữa nếu không thực hiện họ có quyền thông báo với chủ đầu tư sa thải tư vấn quản lý dự án ngay. Tuy vậy có trường hợp ông tư vấn giám sát quốc tế nhiều khi cũng cho qua.
Sau vụ PCI, theo ông chúng ta nên làm gì để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản?
Chống tham nhũng cần có 3 phía phải chống.
Một là Nhà nước hai là khối thị trường phải giám sát nhau, ba là khối xã hội dân sự phải giám sát cả hai khối trên. Tôi nghĩ ở Nhật thông tin liên quan đến đại lộ Đông Tây bại lộ là do thị trường giám sát nhau.
Học tập kinh nghiệm thế giới, một là chính phủ phải chống tham nhũng nhưng chúng ta không được ỷ lại vào Chính phủ mà thị trường cũng phải giám sát nhau do đó các hiệp hội nghề nghiệp phải phát huy vai trò giám sát.
Thứ ba là khối xã hội dân sự như Tổng hội Xây dựng cũng phải có giám sát. Việt Nam cũng nên học Nhật trong việc các doanh nghiệp phải giám sát nhau tạo nên môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên việc này không phải dễ thực hiện.
Nguyễn Tú
(ghi)