Ngày 7/6, Liên hoan phim Venice lần thứ 76 chính thức bế mạc, với loạt giải thưởng quan trọng tìm được chủ nhân. Ngoài giải thưởng danh giá nhất – Sư tử vàng thuộc về Joker của đạo diễn người Mỹ Todd Phillips nhận được sự ủng hộ, những chiến thắng ở các hạng mục khác đều gây tranh cãi. Trong đó, ồn ào nhất phải kể đến việc tác phẩm An officer and a spy (Pháp) giành được giải thưởng cao quý thứ hai - Grand Jury Prize (Giải đặc biệt của Ban giám khảo). Bình phẩm không chỉ về nội dung, mà còn cả người tạo ra tác phẩm – đạo diễn Roman Polanski.
Thời điểm kết quả được công bố, loạt tờ báo quốc tế đưa tin với tiêu đề bắt mắt như “Kẻ hiếp dâm Roman Polanski thắng giải tại Liên hoan phim Venice” – Daily Beast hay “Tội phạm chạy trốn Roman Polanski thắng giải thưởng của Liên hoan phim Venice” – The Daily Wire… Rõ ràng, dù tài năng đến mấy, vị đạo diễn 86 tuổi không thể gột rửa được vết nhơ đeo bám ông suốt nhiều thập kỷ qua.
Roman Polanski sinh ngày 18/8/1933 tại Paris (Pháp) trong một gia đình người Ba Lan gốc Do Thái. Xét về phương diện nghệ thuật, Polanski xứng đáng có mặt trong hàng ngũ những đạo diễn tài năng hàng đầu thế giới.
Tốt nghiệp trường điện ảnh Szkoła Filmowa tại Łodz, Ba Lan, vào năm 1958, ông bắt tay vào chinh phục giấc mơ thuở bé – tạo ra những tác phẩm để đời. Năm 1964, Polanski gây tiếng vang với “Knife In The Water”, được đề cử giải Oscar cho “Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”. Tiếp nối thành công, ông cho ra đời loạt dự án khác tại châu Âu, gồm Repulsion (1965), Cul-de-sac (1966) và The Fearless Vampire Killers (1967).
Sau đó, Polanski cùng người vợ thứ hai là nữ diễn viên Sharon Tate sang Mỹ định cư, với mục tiêu giành lấy hào quang tại Hollywood. Năm 1968, ông đạt được thành công rực rỡ với tác phẩm đầu tiên tại xứ người Rosemary’s Baby. Phim này đã đem về cho Ruth Gordon tượng vàng Oscar cho “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”, còn bản thân vị đạo diễn gốc Do Thái được đề cử giải Oscar cho “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất”.
Đến Hollywood là quyết định sáng suốt cho con đường phát triển sự nghiệp của Polanski, nhưng lại khiến ông hứng chịu thảm kịch mất vợ, mất con. Năm 1969, khi Polanski đang ở châu Âu sản xuất phim A Day at the Beach, Sharon bị băng đảng Gia đình Manson sát hại tại nhà riêng. Lúc đó, cô mang bầu tháng thứ tám.
Nói về bi kịch gia đình, Polanski gọi đó là “thời gian kinh khủng”. Ngoài nỗi đau mất người thân, ông còn bị truyền thông nghi ngờ “liên minh với ma quỷ” trong Rosemary’s Baby và phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sharon trong nhiều tháng, cho đến khi cảnh sát tìm thấy hung thủ thực sự.
Tháng 3/1977, Polanski bị tố cưỡng bức người mẫu vị thành niên Samantha Geimer (lúc đó 13 tuổi) tại nhà riêng của tài tử Jack Nicholson ở Hollywood Hills. Sự việc gây chấn động dư luận. Polanski bị tam giam 42 ngày trước khi nhận tội “quan hệ tình dục bất hợp pháp” – tội nhẹ hơn so với “hiếp dâm trẻ em”. Tuy nhiên, khi nghe luật sư thông báo về khả năng lĩnh án tù 50 năm, Polanski trốn đến Pháp, vì nước này không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ, trước ngày tuyên án vào 31/1/1978.
Trong ba thập niên tiếp theo trốn tại Pháp, Polanski tiếp tục công việc làm phim. Năm 2002, Polanski gây tiếng vang trở lại với bộ phim The Pianist. Tác phẩm này đã đoạt 3 giải Oscar, trong đó có hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất”.
Ngày 1/3/2003, Samantha Geiner tuyên bố tha thứ cho Polanski, đồng thời bày tỏ hy vọng ông đến nhận giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới. Tuy nhiên, Polanski không dám về Mỹ bởi lệnh truy nã vẫn chưa được rút lại.
Ngày 26/9/2009, đạo diễn người Ba lan bị bắt giữ tại Thụy Sĩ ở sân bay, khi đi nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Zurich. Ông không bị dẫn độ về Mỹ, nhưng bị giam tại nhà tù Thụy Sĩ.
Vụ bắt giữ này không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn nhận được sự quan tâm từ giới chính trị gia. Ngày 28/9/2009, Tổng lãnh sự Pháp ở Zurich lúc bấy giờ, Jean - Luc Fauré –Tournaire, và Đại sứ Ba Lan Jaroslaw Starzyk đến thăm Roman Polanski tại nhà tù.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner và người đồng nhiệm Ba Lan cũng viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton yêu cầu trả tự do cho Polanski. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Frederic Mitterand bất ngờ trước việc Polanski bị bắt. Ông cho biết, cảm thấy buồn vì cuộc đời bất hạnh của Polanski lại có thêm một khó khăn khác.
Bên cạnh đó, hơn 70 đạo diễn, nghệ sĩ như: Costa-Gavras, Vương Gia Vệ, Fanny Ardant, Ettore Scola,... ký vào đơn kiến nghị, phản đối Thụy Sĩ bắt giữ Polanski và đòi trả tự do ngay lập tức ông.
Tuy nhiên, chính quyền Thụy Sĩ không chấp nhận phóng thích Polanski, từ chối nộp tiền bảo lãnh với lý do khả năng vị đạo diễn bỏ trốn là quá cao. Nhà chức trách Mỹ cũng không hủy lệnh truy nã, vẫn dùng những danh từ như “tội phạm”, “kẻ đào tẩu”… để gọi ông cho đến ngày nay.
Sau vụ án năm 1977, Polanski bị thêm 4 phụ nữ kiện tội hiếp dâm. Theo vanityfair, đây là lý do Polanski bị đuổi khỏi Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ, giữa thời điểm làn sóng chống quấy rối và xâm hại tình dục #Metoo phát triển mạnh mẽ tại Hollywood. Polanski phủ nhận cáo buộc: “Những câu chuyện ngớ ngẩn của những phụ nữ mà tôi chưa từng thấy trong đời. Họ buộc tội tôi về những điều được cho là xảy ra hơn nửa thế kỷ trước”.
Hiện tại, Polanski đã 86 tuổi và chưa thoát khỏi nỗi sợ bị dẫn độ về Mỹ. Tại LHP Venice lần thứ 76, tác phẩm của ông một lần nữa được vinh danh với giải Sư tử bạc. Ông được nhìn thấy đến tham dự, nhưng người nhận giải lại là người vợ thứ ba, nữ diễn viên Emmanuelle Seigner.