Kẻ giết người, phi tang xác ở 3 tỉnh bị loạn thần

Kẻ giết người, phi tang xác ở 3 tỉnh bị loạn thần
TPO - Luật sư của hung thủ nam sinh nói rằng có thể Trần Nhật Duy sẽ được đưa đi điều trị bệnh bắt buộc. Trong khi đó VKS kháng nghị tử hình hung thủ.
Kẻ giết người, phi tang xác ở 3 tỉnh bị loạn thần ảnh 1

Trần Nhật Duy và Đặng Gia Linh tại phiên toà ngày 7/10/2016. Ảnh: Tân Châu.

Ngày mai (17/10), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xử phúc thẩm vụ Trần Nhật Duy (23 tuổi, ngụ Gò Vấp) tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Đặng Gia Linh tội “Tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có” và “Che dấu tội phạm”.

Trước đó, ngày 27/11/2015 TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên Trần Nhật Duy mức án tù chung thân, Đăng Gia Linh (hiện đã chấp hành án xong và được thả tự do) 2 năm tù.

Theo nội dung bản án, năm 2011, Duy (lúc này học lớp 11) có quan hệ đồng tính với anh Vạn Anh Tuấn (31 tuổi). Hai năm sau, Duy lên TP HCM thuê trọ để theo học một trường đại học, Tuấn chuyển đến ở cùng Duy. Quá trình chung sống, biết Duy yêu Linh nên Tuấn ghen tuông và thường đánh đập, cấm không cho sinh viên này qua lại với bạn gái.

Tháng 2/2014, Duy lên mạng tìm mua 200 gr chất độc Kali-Xyanua. Trung tuần tháng 5/2014, Duy lén bỏ chất độc vào tô mì tôm rồi đưa cho anh Tuấn ăn nhưng người này ói ra. Tối ngày 19/5/2014, anh Tuấn kêu đau đầu và nhờ Duy lấy thuốc uống. Sinh viên này tháo 2 viên con nhộng, đổ hết thuốc ra, nhét chất độc vào rồi đưa cho anh Tuấn.

Sáng ngày 20/5/2014, biết nạn nhân đã chết, Duy đi học bình thường và nghĩ cách phi tang thi thể. Hung thủ lấy điện thoại, xe máy của nạn nhân bán được 10 triệu đồng. Duy dùng một phần tiền mua cưa máy, còn lại đưa cho Linh. Tại phòng trọ, Duy dùng cưa máy phân thi thể thành nhiều phần rồi đi vứt ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), đèo Tà Pứa (Bình Thuận), phà Mỹ Lợi (Tiền Giang). Còn Linh lau dọn phòng và cùng Duy đi phi tang xác.

Bốn ngày sau, người dân ngửi được mùi hôi thối nồng nặc từ phòng trọ của Duy nên báo cơ quan chức năng. Phá cửa kiểm tra, công an phát hiện thi thể người đã bị cắt đầu và tứ chi, còn phần thân phân hủy nặng.

Ngày 24/5/2014, Duy và Linh bị công an bắt giữ khi đang trên đường về nhà ở thị xã Gò Công (Tiền Giang).

Sau bản án sơ thẩm, VKSND TP. HCM đã kháng nghị, đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với Trần Nhật Duy. Gia đình bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với Trần Nhật Duy; Xem xét trách nhiệm hình sự của Đặng Gia Linh với vai trò đồng phạm của Trần Nhật Duy và tăng nặng hình phạt đối với bị cáo này.

Vào ngày 7/10/2016, Tòa phúc thẩm đã đưa vụ án ra xử, trong lúc Tòa làm thủ tục bắt đầu phiên tòa, Duy cho rằng mình bị "loạn thần" và không trả lời HĐXX. Luật sư bào chữa cho Duy đề nghị hoãn tòa vì sức khỏe bị cáo không tốt.

HĐXX ban đầu cho rằng không nhận được giấy tờ của trại giam về tình hình sức khỏe của Trần Nhật Duy. Tuy nhiên sau đó đã hoãn phiên tòa vì nhận thấy tại tòa, bị cáo Duy có  biểu hiện không tốt.

Kể từ ngày hoãn phiên tòa (7/10/2016) để làm rõ bệnh tình của Trần Nhật Duy, Tòa không mở thêm phiên xử nào. Đến ngày mai (17/10), Tòa phúc thẩm sẽ đưa vụ án ra xử trở lại. Thông tin ban đầu cho thấy Tòa sẽ xử các nội dung kháng nghị, kháng cáo và cả tình tiết ‘bệnh’ của bị cáo.

Trong một diễn biến mới nhất, Viện Pháp y Trung ương vừa có kết luận giám định pháp y đối với Trần Nhật Duy. Theo Kết quả giám định pháp y tâm thần (số 214/KL-VPYTW) của Viện, đơn vị này cho rằng Trần Nhật Duy bị “Rối loạn stress san, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Liên quan tới kết luận giám định của Viện Pháp y Trung ương. Một luật sư cho biết, tại phiên tòa ngày mai, nếu không có người tham gia tố tụng nào có ý kiến về kết luận giám định pháp y đối với Trần Nhật Duy, thì có thể căn cứ vào quy định tại Điều 13 BLHS, Điều 311, 314 BLTTHS để tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Trần Nhật Duy

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.