Phải xem trước thông tin nơi đến
Chuyến bay từ Paris đến Venice kéo dài chưa đầy hai tiếng. Ấn tượng ban đầu đó là xung quanh toàn nước, mênh mang hơn cả trên phim ảnh mà Kasim đã được xem. Di chuyển ở đây hoàn toàn không bằng taxi mà là tầu cao tốc hoặc ca-nô.
Trời mới về chiều, nhưng Venice vô cùng vắng vẻ, vì cửa hiệu bắt đầu đóng cửa. Kasim bị ảnh hưởng nhiều từ phim xã hội đen của Ý nên lo lắng, không biết có bị... bắt cóc hay “xử” đẹp không?
Thật khó khăn để tìm ra khách sạn, vì book trên mạng, cũng chỉ nhớ được cái tên và địa chỉ.
Đi lòng vòng rồi lại về đường cũ và ngước mắt thì thấy ngay khách sạn của mình đang ở trước mặt. Chỉ khổ Kasim, chưa bao giờ từng đi bộ xa đến như vậy, nên tìm được khách sạn giống như tìm được kho báu vậy.
Khách sạn ở Venice khá nhỏ, nhưng tiện nghi số 1. Đã đi rất nhiều nơi nhưng đến đây Kasim vẫn còn phải ngỡ ngàng trước hệ thống sưởi ấm của khách sạn, và mỗi phòng tắm đều có chuông báo động nếu như người già hay người bị bệnh cao huyết áp khi tắm nước nóng trong thời tiết mùa đông quá lạnh xảy ra sự cố và cần trợ giúp.
Khổ vì siêu thị một giá “2 Eu”
Nếu ai đó nói Mỹ là thiên đường mua sắm thì đến Ý sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm. Kasim là người rất làm biếng mua sắm, vậy mà đến Ý hai mẹ con cứ đi từ hàng này qua hàng khác, mua được khá nhiều đồ diễn “độc” cho Kasim.
Còn đồ lưu niệm thì nhiều vô kể, nhất là những chiếc mặt nạ Canavan rất thu hút, nhưng Kasim và mẹ chỉ dám mua cái nhỏ xíu để làm kỷ niệm. Bình thường giá không dưới 300 Eu cho 1 cái.
Ấn tượng nhất với Kasim là trung tâm siêu thị giá 2 Eu. Hàng nổi tiếng ở Ý chính là thủy tinh. Mẹ Kasim ham quá, mua luôn một lèo, vậy là hai mẹ con kéo theo một đống đồ ngay trên đường phố dài ngoẵng.
Giữa đường đi, mỏi chân quá, mà không kiếm đâu ra giầy bata, nên hai mẹ con ghé vào siêu thị mua đại đôi dép vải đi trong nhà. Khi vào nhà hàng ăn mì Ý và Pizza tất cả khách đứng chờ đều quay lại nhìn hai mẹ con như người hành tinh khác vì ăn mặc rõ đẹp nhưng lại mang đôi dép không liên quan ở dưới.
Phải mang siêu cắm điện về Việt Nam
Gần một tuần trời hai mẹ con đắm chìm trong mùi càphê Cappuccino, mùi phômai nóng chảy trên các bánh pizza, mùi kem vani nên cũng chán. Kasim sợ đến mức chỉ thèm một bát mì ăn liền.
Vậy là hai mẹ con sau giờ thăm quan các lâu đài cổ kính, những bảo tàng lại lao vào siêu thị kiếm một chiếc ấm đun nước siêu tốc. Tréo ngoe là hỏi cái nhỏ không có nên đành phải mua cái to, sau đó tiếp tục phải đi tìm chợ của người Hoa để kiếm gạo và mì.
Chỉ có cơm không với mấy đồ hộp nhưng cảm giác ngon vô cùng. Đi xa mới thấy nhớ những món ăn quê nhà. Kết quả là dù vali rất nặng, nhưng ca sĩ Bích Phương vẫn quyết định mang cái ấm đun nước về Việt Nam làm kỷ niệm.
Chia tay Venice, ấn tượng với Kasim và mẹ đây là một thành phố yên bình, đẹp như trong mơ, con người rất thân thiện. Ca sĩ Bích Phương tiết lộ, khi nào Kasim cưới vợ, chắc chắn chị sẽ book sẵn cho con một chuyến nghỉ tuần trăng mật trở lại Venice của Ý.
Hạ Long
Người đẹp Việt Nam
Venice, thường gọi "thành phố của các kênh đào". Nước Cộng hòa Venice từng là một đế quốc hàng hải và là nơi chuẩn bị cho các cuộc Thập tự chinh. Đó cũng là một trung tâm thương mại và nghệ thuật trong thời Phục hưng. Venice là một thành phố mà bạn có thể tận hưởng thời tiết tuyệt đẹp quanh năm. Những tháng từ mùa Phục sinh đến tháng 10 là mùa du lịch chính, lúc đó các khách sạn có thể rất đông khách và không còn chỗ trống. Hai đợt du lịch cao điểm khác là mùa lễ hội Carnival vào tháng 2, và những tuần lễ gần Giáng sinh. Mùa hè Venice thường rất đông, ở các điểm tham quan nổi tiếng cũng như các bảo tàng có nhiều người xếp hàng chờ đợi, đặc biệt là trong mùa nghỉ của trường học vào giữa tháng 7 đến cuối tháng 8. Vậy mà một số nhà hàng thậm chí còn đóng cửa ở thời điểm cao điểm khoảng 1, 2 tuần. Trong suốt mùa đông, sương mù cũng có thể thêm vào sức hấp dẫn đầy lãng mạn cho thành phố, dù bầu trời trong xanh và khí hậu êm dịu khiến mùa xuân và mùa thu là thời điểm thích hợp nhất để viếng thăm. Nếu bạn muốn đến Venice vào giữa tháng 10 và cuối tháng 2, hãy chuẩn bị ủng cao su đến đầu gối trước nhé. Mùa này có thể là mùa ngập lụt, mưa cũng nặng hạt hơn. Nếu bạn muốn đến đây chỉ trong hai ba ngày, hãy nhớ là có một vài điểm tham quan, cửa hàng và nhà hàng sẽ đóng cửa vào Chủ nhật và Thứ Hai. Vì Venice nằm trên phá nên đường thủy giữ vai trò quan trọng trong giao thông vận tải. Cách thông thường nhất đến với Venice là bằng xe lửa hay tàu. |