Jerusalem quyền lực mềm

TP - Sau khi Washington chuyển sứ quán đến thánh địa Jerusalem đầu tuần tới, ngày 14/5 theo giờ Mỹ, một số thể chế Mỹ Latin sẽ vào hùa. Hầu chắc ba nước đã chốt phương án, trong đó hai tổng thống khoe đích thân đến hiện trường.

Nguyên nhân được dư luận mổ xẻ nhiều nhất về sự theo đuôi của vài nhà lãnh đạo là sự ăn theo chính quyền Trump để mong hưởng ân sủng kinh tế. Chẳng phải ngẫu nhiên Guatemala sốt sắng bắt chước chỉ sau hai ngày Mỹ khai trương sứ quán ở Jerusalem. Paraguay, một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc lên án Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cũng ấn định vào 21-22/5. Còn Honduras đang khấp khởi chờ quốc hội phê chuẩn để thi triển.

Song sẽ không đáng nói nếu chỉ lý giải từ tiền bạc. Lịch sử lập quốc 70 năm của Israel hoá ra gắn liền với sự tiên phong của Mỹ Latinh ngay từ 1947. Hầu hết các nước Mỹ Latin đều tương đối trẻ. Họ ngưỡng mộ sức sống kỳ diệu của dân tộc Do Thái tha phương suốt 2.500 năm rồi bị Đức quốc xã tiêu diệt sáu triệu người, xấp xỉ dân số Israel 8 triệu hiện nay. Tắm trong cảm xúc ấy, Guatemala công nhận Israel ngay khi nhà nước Do Thái thành lập, năm 1948. Tiếp đó, hiệu ứng domino khiến 10 nước cuốn theo. Lúc ấy châu lục chiếm 13% diện tích đất liền trái đất bị Mỹ bỏ quên. Suốt từ 1946-1959, cả Mỹ Latin chỉ hưởng 2% tổng viện trợ nước ngoài của Mỹ. Thực tế nữa cho thấy kinh tế không hẳn quyết định khi nhiều chế độ Mỹ Latin gần đây chống Israel, đồng minh số một của Mỹ - nhà viện trợ lớn nhất thế giới.

Hàng loạt thành tựu kỳ diệu mà Isreal bé xíu đạt được vẫn là cảm hứng khôn nguôi. Dường như cảm nhận được động lực ấy, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bố trí chuyến công cán ngoại giao mang tính quyết định đến Mỹ Latin đúng dịp này. Ông tha thiết kêu gọi đừng thêm ai vào hùa với Mỹ. Đáng tiếc, lại xuất hiện mấy nơi khác cũng nhăm nhe rục rịch kéo đến Jerusalem như Czech, Roumania, Philippines, thậm chí Canada nếu đảng bảo thủ thắng cử năm tới.

Jerusalem để lại nhiều bài học trong đó có bài học quyền lực. Điều gì khiến Mỹ-Israel vẫn thản nhiên như không mà chẳng lo bị trừng phạt? Phải chăng họ dựa vào một thứ quyền lực mà ai cũng biết nhưng không hề dễ đạt được: sức mạnh nội tại mà rường cột là nền kinh tế năng động.

MỚI - NÓNG