Ít dám bảo vệ chính kiến

Ít dám bảo vệ chính kiến
TP - Tại một đại hội nọ ở địa phương kia, có một người được nhiều đại biểu đề cử bầu vào chức vụ lãnh đạo, ngoài những người dự kiến ban đầu.

Đây là tình tiết khá đặc biệt bởi trước nay hầu như các đại hội kiểu này chỉ bầu những người dự kiến. Điều này cho thấy không khí dân chủ của đại hội và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu nên đại hội hào hứng hẳn lên.

Vị mới được đề cử cũng vui mừng chấp nhận sự đề cử. Thế nhưng trao đổi công khai ở hội trường và sau hội trường một lúc, đoàn chủ tịch đại hội đề nghị vị mới được đề cử … suy nghĩ thêm (!). Và vị mới được đề cử đã xin rút khỏi danh sách đề cử.

Đại hội ở địa phương khác, tình hình diễn ra tương tự. Chỉ khác là sau lúc suy nghĩ, vị mới được đề cử không rút lui, vẫn đồng ý để tên trong danh sách bầu cử.

Nhiều đại biểu vỗ tay hoan hô nhưng cũng thật bất ngờ, vị mới được đề cử đã không trúng cử vì nhiều đại biểu không bầu cho vị đó, họ đã thay đổi quyết định ở phút chót.

Vị được đề cử nhưng rút lui cũng như những đại biểu thay đổi quyết định ở phút chót chủ yếu do không dám bảo vệ chính kiến của mình. Có nhiều cách biện minh khéo léo như một cách nói cửa miệng là chọn “giải pháp an toàn”, dĩ nhiên an toàn cho bản thân hoặc quyền lợi cá nhân.

Lại việc rình rang xe cộ diễu hành trên đường phố để tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông mà kết quả là làm cho đường phố chật chội thêm, nhiều ý kiến đã phê phán.

Một vị có trách nhiệm trong ngành giao thông vận tải ở địa phương nói với tôi: Quyết thay đổi bằng cách tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông hiện đại. Song tôi vẫn thấy xe cộ diễu hành rình rang trên đường phố, hỏi thì vị cán bộ thở dài: Phải trình bày thuyết phục người nọ người kia, mệt lắm, thôi thì cứ “lối cũ em làm”.

Chúng tôi cười xòa nhưng trong lòng xốn xang: Bảo vệ chính kiến khó thật!

Nhưng chính kiến, dường như chính nó mới thúc đẩy sự phát triển? Đó là những ý kiến mới mẻ, thoát ra ngoài khuôn thước cũ, tìm tòi các con đường vươn tới hiệu quả cao hơn cho mục tiêu chung.

Thời hội nhập càng cần có chính kiến, mỗi cá nhân, mỗi mặt hàng và suy rộng ra là một địa phương và cả nước phải có cái riêng, càng nổi bật càng tốt, để không bị chìm lẫn giữa thế giới bao la.

Ở đây, câu nói của đời sống nông nghiệp nghìn xưa “xấu đều hơn tốt lỏi” chắc chắn không còn phù hợp.

MỚI - NÓNG