Israel sẽ tấn công Iran theo kịch bản nào?

Israel sẽ tấn công Iran theo kịch bản nào?
Nguy cơ bùng nổ xung đột Israel - Iran đang hiển hiện, nhưng theo các chuyên gia Tel Aviv sẽ rất khó trong việc mở đường đến không phận của đối thủ.

Nếu Israel quyết định không kích Iran, ít nhất 100 máy bay phải vượt qua không phận thù địch của các quốc gia Hồi giáo, tiếp nhiên liệu trên không, đánh trả hệ thống phòng không của Iran, tấn công đồng loạt nhiều mục tiêu ngầm dưới đất. Đó là phân tích sơ bộ của giới chức quốc phòng và các chuyên gia quân sự Mỹ, theo báo The New York Times.

Tên lửa hay không kích?

Các chuyên gia cho rằng mục tiêu chính của Israel sẽ là các cơ sở hạt nhân lớn của Iran tại Natanz, Fordo, Arak, Esfahan... với 2 giải pháp có thể triển khai là không kích hoặc bắn tên lửa. Cuối năm ngoái, theo AP, Israel thử nghiệm thành công tên lửa hành trình Jericho đủ sức bắn đến Iran. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định giải pháp tên lửa khó đạt hiệu quả cao vì tính chính xác của Jericho vẫn chưa được kiểm nghiệm thực tế. Ngoài ra, các cơ sở hạt nhân Iran được bảo vệ kiên cố, nằm sâu trong núi và nước này còn sở hữu một số loại tên lửa có thể đánh chặn Jericho.

Như vậy, ném bom bằng máy bay là lựa chọn khả dĩ hơn, nhất là khi nhiều nguồn tin cho hay Mỹ đã chuyển một số bom phá boong-ke GBU-28 cho đồng minh. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao phi đội Israel đến được địa điểm không kích. Theo The New York Times, có 3 tuyến bay chính: phía bắc vòng lên Địa Trung Hải rồi bay sát không phận Thổ Nhĩ Kỳ, đường giữa bay qua Jordan và Iraq, cuối cùng là tuyến phía nam đi ngang Ả Rập Xê Út. Cả ba tuyến bay đều rất xa với tổng quãng đường đi về hơn 3.200 km. Với đường bay dài như thế và phải mang theo bom có trọng lượng lớn, máy bay Israel chắc chắn cần được tiếp nhiên liệu trên không. Vì thế, Tel Aviv cần triển khai thêm lực lượng hộ tống máy bay tiếp nhiên liệu và bảo vệ các chiến đấu cơ thả bom. Theo đó, Israel có thể phải huy động 100 máy bay thả bom các loại. Đó là chưa kể, hệ thống phòng không của Iran đâu có ngồi yên để phi đội của Israel muốn làm gì thì làm. Ngoài ra, hồi tháng trước, giới chức Mỹ từng cho rằng bom GBU-28 mạnh nhất của họ hiện nay chưa chắc xuyên phá được các hầm ngầm đặt cơ sở hạt nhân ở Iran.

Khó khăn tiếp theo là những thế lực lớn trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út không hòa thuận gì với Israel nên chắc chắn sẽ không để máy bay nước này bình yên đi qua không phận. Như vậy, có vẻ như con đường bay qua Iraq dễ chịu hơn do Baghdad không có hệ thống phòng không và Mỹ cũng không còn giữ cam kết sẽ bảo vệ bầu trời nước này, theo The New York Times.

Mỹ lo ngại cho Israel

Dù chọn con đường nào, chiến dịch lần này của Israel nếu có sẽ vô cùng quy mô và phức tạp, hơn xa các vụ tấn công chớp nhoáng vào lò phản ứng hạt nhân của Syria năm 2007 và của Iraq năm 1981. “Nhiều người Israel kêu gọi ném bom Iran nhưng thực tế đâu dễ dàng như thế,” The New York Times dẫn lời cựu chỉ huy tình báo không quân Mỹ David A.Deptula nói. Michael V.Hayden, Giám đốc CIA trong giai đoạn 2006-2009, cũng từng tuyên bố thẳng rằng Israel không đủ khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho chương trình hạt nhân của Iran, một phần do khoảng cách đường bay và mức độ của chiến dịch. Những người khác lại lo ngại Iran có thể trả đũa.

Phương Tây tới giờ vẫn muốn gây áp lực lên chương trình hạt nhân của Iran bằng trừng phạt kinh tế - ngoại giao và rất lo lắng Israel sẽ tự có hành động. Mới đây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Benny Gantz tuyên bố nước này sẽ tự quyết định việc có đánh Iran hay không. Đáp lại, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey cảnh báo trên CNN rằng manh động trong giai đoạn này sẽ gây khủng hoảng vượt tầm kiểm soát tại Trung Đông. Tương tự, Ngoại trưởng Anh William Hague nói tấn công Iran không phải là hành động khôn ngoan cho Israel.

Chưa rõ diễn biến sắp tới sẽ thế nào, nhưng giới chức Tel Aviv đã bày tỏ thái độ không hài lòng trước những ý kiến bàn ra từ Washington, theo tờ Ha’aretz. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ đến Mỹ vào đầu tháng 3 và chuyện đánh hay không đánh được cho là trọng tâm hội đàm trong chuyến công du này.

Cục diện phức tạp

Quan hệ trong khu vực rất phức tạp, đan xen giữa lợi ích và đối đầu. Các nước như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út vừa là đối thủ nhưng cũng có chung quan điểm trong một số vấn đề, theo các chuyên gia. Syria thì quan hệ tốt đẹp với Iran nhưng đang lún vào khủng hoảng nên khó hỗ trợ nếu có xung đột. Một nhân tố đáng kể khác là lực lượng Hezbollah ở Li Băng vốn tuyên bố sẵn sàng nã rốc két vào Israel nếu có biến cố. Ngược lại, Israel chưa bao giờ được lòng thế giới Ả Rập nhưng đồng minh Mỹ lại duy trì quan hệ tốt đẹp với một số nước. Trong bối cảnh đó, diễn biến sẽ vô cùng khó đoán một khi Israel không kích Iran.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG