Iran tiến thêm một bước đến vũ khí hạt nhân

Người dân Iran cầm ảnh chân dung ông Mohsen Fakhrizadeh trong cuộc biểu tình tại Tehran ngày 28/11 ảnh: AP
Người dân Iran cầm ảnh chân dung ông Mohsen Fakhrizadeh trong cuộc biểu tình tại Tehran ngày 28/11 ảnh: AP
TP - Quốc hội Iran hôm qua bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm chấm dứt sự giám sát của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc đối với các cơ sở hạt nhân của nước này và cho phép tăng cường làm giàu uranium nếu các cường quốc châu Âu tham gia thỏa thuận năm 2015 không giảm bớt trừng phạt đối với ngành dầu và ngân hàng của Iran. 

Dự luật vẫn cần trải qua nhiều bước nữa để có thể trở thành luật. Văn bản này thể hiện sự thách thức của Tehran sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran hôm 27/11. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei là người quyết định cuối cùng mọi chính sách hạt nhân của Iran.

Hãng tin IRNA hôm qua đưa tin hơn 251 nghị sĩ trong quốc hội gồm 290 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật, sau đó cùng hô khẩu hiệu “Cái chết cho Mỹ” và “Cái chết cho Israel!”.

Dự luật đặt ra thời gian 3 tháng để các cường quốc châu Âu nới lỏng trừng phạt đối với ngành dầu khí có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Iran, và khôi phục quyền tiếp cận của Iran đối với hệ thống ngân hàng quốc tế. Mỹ áp hàng loạt biện pháp trừng phạt Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dẫn đến hàng loạt bước leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Dự luật cho phép chính phủ Iran khôi phục hoạt động làm giàu uranium lên 20%, thấp hơn ngưỡng cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng cao hơn mức dành cho các ứng dụng dân sự. Dự luật cũng cho phép trang bị thêm lò phản ứng tại các cơ sở hạt nhân ở Natanz và cơ sở Fordo dưới lòng đất.

Quốc hội Iran cần bỏ phiếu một vòng nữa để thông qua dự luật, sau đó văn bản này cần được Hội đồng giám hộ, tức cơ quan giám sát hiến pháp của Iran, chấp thuận. Các nghị sĩ Iran đang yêu cầu phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Mỹ kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018.

Dự luật được trình lên quốc hội Iran từ tháng 8, nhưng giờ có thêm động lực sau vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh, người đứng đầu chương trình mà Israel và phương Tây cáo buộc là hoạt động quân sự nhằm tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Một số quan chức Iran gợi ý rằng IAEA, cơ quan tiến hành giám sát định kỳ các cơ sở hạt nhân của Iran trong những năm gần đây theo thỏa thuận năm 2015, có thể là nguồn tin của những kẻ ám sát ông Fakhrizadeh.

MỚI - NÓNG