Ia Grai, nỗi đau dịu lại

Ia Grai, nỗi đau dịu lại
TP - Những người từng vượt biên tìm miền đất hứa của đồng bào ở huyện Ia Grai - Gia Lai đang dựng lại cuộc sống trên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Những mảnh đời vượt biên lấy chồng

Siu Hly không cô đơn

Siu Hly ở làng Kuk (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) là cô bé 12 tuổi mất hết người thân trong chuyến vượt biên định mệnh năm 2005. Thiếu tá Nguyễn Thế Bất - Đồn trưởng đồn Biên phòng (BP) 717 cảnh báo tôi, bé Siu Hly thời gian gần đây dù đã bớt e dè, nhưng vẫn còn rất sợ người lạ. Trước đây, một vài nhà báo từng lên Ia O tìm Hly, nhưng không chụp được một tấm hình chứ đừng nói gặp gỡ trò chuyện. Hly như con chim non bị thương trước bão, cô đơn và sợ hãi. Khoảng vài tháng trở lại đây, được sự động viên, tâm sự của anh em biên phòng, Hly đã mạnh dạn hơn.

Chờ Hly đi học về mất 1 tiếng, sau đó cả Thiếu tá Bất và tôi mất thêm 2 tiếng đồng hồ nữa, Siu Hly mới lấm lét lại ngồi gần bà Rơ Mar Nuh, là chị gái của bà nội Hly. Bập bẹ tiếng Kinh, ngồi râm ri trò chuyện mãi từ trưa đến chiều, Hly mới gợi ra được đôi chút ký ức về cái đêm kinh hoàng tháng 5-2005 trên dòng Pô kô hung dữ, khi cả xã Ia O có tới mấy chục người cùng kết bè vượt dòng Pô kô theo tiếng gọi mơ hồ từ miền đất hứa. Thực chất, bà con dân tộc đang bị kẻ xấu từ bên kia biên giới Campuchia xúi giục, rủ rê lôi kéo vượt biên, với lời hứa sẽ đưa sang đất nước thứ 3, cụ thể là My, sống cuộc đời giàu sang phú quý. Nhiều người mù quáng cả tin, cùng nhau bàn bạc, bất chấp nguy hiểm, hằng đêm âm thầm vượt dòng Pô kô.

Cột mốc 25 xác định ranh giới giữa huyện Ia Grai (Gia Lai) - huyện Sa Thầy (Kon Tum) và tỉnh lỵ Natarakiri (Campuchia) nằm giữa lòng sông Pô kô vì thế phải tiến hành làm đến 3 cột mốc ngay mép sông. Ia Grai chỉ có 6km đường biên chung với tỉnh lỵ Natarakiri nhưng lại nằm ngay ngã ba sông, địa hình phức tạp hiểm trở. Theo Thiếu tá Bất, trước những năm 2007, vượt biên trái phép là chuyện thường xuyên xảy ra, sau này giảm nhưng thỉnh thoảng vẫn có.

Đêm 20-5-2005, người dân ồ ạt, liều lĩnh kết bè đi. Nhiều bè trốn thoát, một số bị biên phòng bắt giữ. Thảm thương nhất là bè của gia đình Siu Hly. Từ trên bờ, nhìn dòng Pô kô có vẻ hiền hòa, nhưng thực chất, với bề ngang hơn 200m, lòng sông luôn cuồn cuộn xoáy nước. Bè gia đình Hly trên dưới chục người, gồm bố mẹ, chị em Hly cùng 2 gia đình bà con, tất cả đều gặp nạn. Đại úy Lê Quốc Tiến - Đồn phó quân sự đồn BP 717, kể: Bè nhà Hly đi sau cùng, đến giữa dòng thì gặp nước xoáy, lật nhào. Bố Hly đội con lên đầu, gắng gượng bơi vào bờ. Lúc này, dòng Pô kô bắt đầu cuộn xoáy từng đợt. Thời điểm ông kiệt sức cũng là lúc con nước xoáy dội ông va vào một tảng đá ngầm. Ông chỉ đủ sức đẩy Hly ngồi lên tảng đá, còn mình chấp nhận cuốn theo con nước dữ. Hly ngồi đến sáng, được bà con và bộ đội biên phòng cứu sống.

Siu Hly năm nay học lớp 4 trường làng Kuk, là một trong những học sinh học giỏi, sáng dạ nhất lớp - Thiếu tá Nguyễn Văn Dương - đội vận động quần chúng đồn BP 717, cho biết. Năm 2006, đồn làm lễ đón nhận bé Siu Hly làm con nuôi. Thiếu tá Nguyễn Thế Bất cho hay, khi Hly được cứu, em không còn ai thân thích nên được đưa về ở với người bà Rơ Mah Nuh cùng người cậu Pơ lang Bin (con trai của bà Rơ Mah Nuh). Khổ nỗi, nhà bà Nuh cùng con trai Bin cũng nghèo rớt, chỉ kiếm ăn qua ngày. Nếu nhận nuôi thêm Hly, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Thời gian đầu, Siu Hly ở với bà Nuh, ngày ngày lang thang lên rừng hái rau kiếm củi, đi mót mủ cao su.

Thiếu úy Siu Nhin - đội viên đội vận động quần chúng, chia sẻ: Mình cũng là người Ja rai, cùng họ với Hly, mình hiểu thế nào là nỗi đau của Hly. Em còn nhỏ quá. Ngày đưa Hly về nuôi dạy, cả đồn vui. Công việc này lúc đầu được giao cho Siu Nhin. Hly không chịu tiếp xúc với ai, thấy người là khóc ré, trốn trong buồng. Thời gian hoảng sợ này kéo dài đến cả mấy tháng. Nhận thấy vấn đề không chỉ đơn giản là cho Hly cái ăn, cái mặc, đưa Hly đến trường mà quan trọng nhất là mau chóng giúp Hly trở lại cuộc sống bình thường, hòa nhập với mọi người. Bằng tình cảm và tấm lòng của những người bố, người anh trai, các chiến sĩ đã giúp Hly trở lại tâm lý bình thường. Năm 2006, đồn BP 717 làm lễ đón nhận Hly làm con nuôi, coi đây là đứa con chung của cả đồn.

Bến sông Pô kô - điểm tập kết bè cuộc vượt biên ngày 20-5-2005
Bến sông Pô kô - điểm tập kết bè cuộc vượt biên ngày 20-5-2005.

Chuyện của Ksor Nok và Ksor Bla

Nhà Ksor Nok (SN 1978) cách nhà bé Siu Hly chừng 100m, cùng làng Kuk. Anh trở lại quê nhà 7 tháng sau chuyến vượt biên đêm 20-5-2005. Giờ đây có nhà cửa khang trang, vợ đẹp con khôn, Ksor Nok vẫn bị ám ảnh bởi những ngày tháng chui nhủi trong rừng, rồi ở trại tị nạn Campuchia.

Đêm ấy, bè của Ksor Nok dẫn đầu đoàn người vượt biên. “Bọn mình mạnh ai nấy chạy. Nước hung dữ lắm, bè của mình mấy lần suýt bị lật. May là trên bè toàn đàn ông nên vững tay chèo, không thì chết cả lũ rồi”. Vượt được qua sông Pô kô, Ksor Nok bị kẹt trong rừng. Đói thì tìm củ sắn, củ mài ăn, đêm ngủ trên cây, ngày tìm đường ra khỏi rừng rậm. Mất mấy tuần, Nok mới ra khỏi rừng, tiếp tục hỏi thăm đường đến trại tị nạn. Nhưng sống ở trại được ít lâu, Ksor Nok xin quay trở lại quê hương. “Khổ lắm, chẳng biết bao giờ được đi khỏi trại sang bên kia. Mình nghĩ mãi, ở đâu cũng phải có làm mới có ăn. Sang bên kia có phải tự nhiên mà kiếm được tiền đâu”.

Ksor Bla năm nay 65 tuổi, già cả ốm yếu, đi lại chậm chạp, từng là người chuyên dẫn mối vượt biên.

Nhà của bà Ksor Bla đang xây, dân làng bảo tiền Mỹ gửi về xây nhà đấy. Tưởng con đi nước ngoài thì xây nhà đẹp, để mẹ sống sung sướng, hóa ra cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Bà Ksor Bla thoạt đầu e dè, sau chuyện trò mạnh dạn. Bla kể rằng, sang tận Campuchia, bà và đoàn người không vào trại tị nạn mà sống ở bên ngoài, chờ thời cơ để được sang Mỹ. Cuối cùng, không ai hiểu lý do thế nào, Bla - người kinh nghiệm nhất, có thâm niên và am hiểu luật vượt biên lại trở về. Ksor Bla nói: Sang đó khổ lắm, ăn uống không đủ. Tui ở đến tận năm 2008 thì mấy đứa con sang được bên Mỹ. Mấy người rủ cùng đi, nhưng tui không đi nữa.

Ksor Bla với công việc thường ngày
Ksor Bla với công việc thường ngày .

Là Ksor Bla nói vậy, nhưng đem chuyện này kể với Ksor Nok, Nok phản ngay: Bà Bla không được đi bởi bà ta quá già yếu rồi, không còn sức lao động. Cái họ cần là những người khỏe mạnh, có sức lao động. Theo lời Ksor Nok, 21 người trong đoàn vượt biên năm 2005 ai cũng mang theo tiền vàng, riêng bà Bla không có. Ngoài ra, bà Bla chính là người liên lạc, đưa ra kế hoạch vượt sông. Khi nghe đến chuyện có người nhắc bà là trùm dẫn mối vượt biên, bà Ksor Bla giật nảy mình, chối ngay: Làm gì có, chẳng qua tôi chỉ liên lạc, tập trung mọi người và thông báo kế hoạch thôi.

Thiếu tá Nguyễn Văn Dương- đội tuyên truyền quần chúng, cho biết, giờ đây dù mang tiếng có ba người con ở Mỹ, nhưng cuộc sống của Bla vẫn khó khăn, vẫn phải làm việc luôn chân tay. 65 tuổi, nhưng nhìn Ksor Bla đã như gần 90, khi chúng tôi đến, bà đang còng lưng nấu thức ăn nuôi heo. Căn nhà xây dở, bà cùng gia đình con gái phải ở túp lều bên cạnh.

“Đợt 2005, cả ba đứa con trai của tôi là Ksor Ning, Ksor Suen và Ksor Nhim đều qua được Campuchia, sau đó đến 2008 thì sang Mỹ. Cuộc sống của chúng nó ở bên kia giờ cũng khó khăn vất vả”. Ksor Bla

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG