Ì xèo ‘chơi’ tỉ giá
Tại TPHCM, hàng chục công ty đang mở ra loại hình đầu tư tỉ giá bất hợp pháp, thu hút ngày càng nhiều người tham gia
Những loại ngoại tệ đang được giới đầu tư tỉ giá quan tâm. Ảnh: tư liệu |
“Muốn giao dịch ngoại tệ theo cặp tỉ giá EUR/USD, GBP/USD, USD/JPY..., cứ ra các sàn chứng khoán sẽ có nhân viên của các công ty đầu tư tài chính giới thiệu cho sân chơi”. Một người quen vốn là chuyên viên đầu tư của một công ty bảo hiểm giới thiệu khi tôi ngỏ ý tìm hiểu các hình thức đầu tư tiền tệ.
Hàng chục sân chơi chui
Ngày 29-11, tại một sàn chứng khoán ở quận 1 - TPHCM, tôi được nhân viên của một công ty đầu tư tài chính tiếp thị về hình thức “chơi” tỉ giá 24/24 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Người “chơi” tỉ giá phải mở tài khoản tối thiểu 1.000 USD nhưng có thể giao dịch đến 100.000 USD, tức tỉ lệ ký quỹ chỉ 1%, lệnh giao dịch tối thiểu 100 USD, phí giao dịch là 0,2 USD. Lệnh chốt lời hay cắt lỗ sẽ khớp tự động theo diễn biến của cặp tỉ giá EUR/USD, GBP/USD hoặc USD/JPY với diễn biến thị trường quốc tế.
Để tìm hiểm thêm, tôi làm quen với T., nhân viên một công ty đầu tư tài chính có tổ chức sân chơi tỉ giá tại quận 4 - TPHCM. Theo T., đây là hình thức giao dịch chui mà hàng chục công ty tại TPHCM tạo ra để thu hút người vốn ít nhưng muốn lời nhanh. Số lượng người tham gia loại hình giao dịch này ngày càng tăng. “Việc nộp - rút tiền sẽ thực hiện thế nào?” - tôi hỏi. T. cho biết: Các công ty đều “chốt” 1 USD = 21.000 đồng.
Người “chơi” tỉ giá sẽ trực tiếp nộp tiền bằng VNĐ hoặc USD tại công ty, còn việc rút tiền sẽ thực hiện trực tiếp hoặc có thể yêu cầu nhà cái chuyển vào tài khoản của mình tại các ngân hàng. Sau đó, các công ty cung cấp cho người “chơi” chương trình giao dịch qua máy tính. Theo đó, nhà đầu tư có thể ngồi tại nhà đặt lệnh mua- bán...
Ảnh: minh họa |
Có thể “đánh lên, đánh xuống”
Tại công ty H.H, chúng tôi được một nhân viên tên H. tư vấn thêm về kinh nghiệm “chơi” tỉ giá. Nhân viên này cho biết: Mức độ biến động của các cặp tỉ giá thường phụ thuộc vào tình hình kinh tế, lãi suất liên quan đến cặp tỉ giá đó. Ví dụ, cặp tỉ giá EUR/USD sẽ phụ thuộc vào kinh tế châu Âu- Mỹ, chính sách lãi suất của Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Do đó, người “chơi” tỉ giá cần theo dõi thông tin kinh tế, chính sách tiền tệ mà Mỹ và các quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) công bố để dự báo tỉ giá biến động. Ngoài ra, khi thị trường vàng hay chứng khoán và nhiều loại hàng hóa quan trọng khác tăng giá, giới đầu tư tài chính có thể chuyển hướng đầu tư cũng làm cho USD giảm giá so với EUR...
H. tiết lộ: “Người chơi có thế “đánh lên”, tức là đặt lệnh mua rồi chờ giá lên để bán; hoặc “đánh xuống” bằng cách bán khi giá cao, sau đó chờ giá xuống mua lại hưởng chênh lệch, giống như “đánh lên, đánh xuống” của giao dịch trên sàn vàng trước đây”. “Lời lỗ sẽ được tính toán thế nào?” - tôi hỏi. H. liền đưa ra một tình huống cụ thể về cặp tỉ giá EUR/USD như sau: Lúc 12 giờ ngày 29-11, nhà đầu tư khớp lệnh mua 10.000 USD (1 lot) tại mức 1 EUR đổi được 1,2592 USD. Sau đó, nhà đầu tư khớp được lệnh bán với mức 1 EUR đổi được 1,3000 USD. Như vậy, nhà đầu tư có được khoản chênh lệch 0,0408 USD. Khi đó, hệ thống giao dịch sẽ quy đổi thành 48 bit (1 bit = 10 USD), tính ra nhà đầu tư thu 480 USD lợi nhuận.
Đối mặt nhiều rủi ro
Hầu hết các nhà tổ chức giao dịch ngoại tệ nói trên đều khẳng định với khách hàng là họ bắt tay với một đối tác nước ngoài để làm trung gian, mức độ biến động của các cặp tỉ giá luôn theo đúng diễn biến thị trường thế giới. Thế nhưng, khi khách hàng yêu cầu chứng minh thì không công ty nào thể hiện được các chứng từ mang tính hợp tác quốc tế. Trong khi đó, nhà tổ chức sân chơi tỉ giá lại nắm giữ một số tiền rất lớn của nhà đầu tư.
Một số người am hiểu lĩnh vực này khẳng định: Thực chất, các nhà tổ chức sân chơi tỉ giá cũng chính là nhà cái, trực tiếp giao dịch với khách hàng. Điều này có thể lý giải vì sao người “chơi” tỉ giá thường đánh thắng trong thời gian đầu, sau đó lại thua đậm.
Ngoài ra, khi dư mua - bán quá lớn, nhà cái này thường giao dịch với nhà cái khác để giải quyết đầu ra, tạo thành một chuỗi giao dịch mà địa chỉ cuối là những đối tác nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Sau đó, các đối tác này sẽ giao dịch với các nhà cái chính ở nước ngoài. Vì thế, người “chơi” tỉ giá luôn đối mặt với rủi ro rất lớn khi nhà cái tham gia giao dịch, dẫn đến thua lỗ hoặc nhà cái bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Khi đó, sẽ không có ai hoàn trả tiền cho nhà đầu tư…
Mức phạt rất nặng Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ có các tổ chức tín dụng mới được cấp phép giao dịch ngoại tệ. Các công ty, cá nhân, tổ chức tham gia sân chơi tỉ giá đều vi phạm pháp luật. Vì vậy, khi phát hiện, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào Nghị định 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ để ấn định mức phạt rất nặng. Người “chơi” tỉ giá có nguy cơ thiệt hại bất cứ lúc nào vì nhà tổ chức sân chơi không có giấy phép về giao dịch ngoại tệ và sẽ “cao chạy xa bay” khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. |
Theo Thy Thơ
Người Lao Động