Diễn biến này dường như cho thấy cả hai bên đều không thể thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo, đẩy Venezuela vào tình trạng tê liệt sau nhiều năm siêu lạm phát và khủng hoảng thiếu thuốc men, lương thực. Đây cũng là sự đảo ngược chính sách của phe đối lập vì trước đó họ luôn cho rằng Tổng thống Nicolas Maduro dùng cách đàm phán để câu giờ.
Các thành viên cấp cao của cả hai phe sẽ tham gia các cuộc thảo luận tìm hiểu quan điểm của nhau tại Oslo, Reuters dẫn lời một thành viên giấu tên trong nhóm đối lập trong quốc hội Venezuela cho biết. Hai phe nhận được lời mời riêng rẽ từ một nhóm ở Na Uy.
Tham gia đối thoại có Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodríguez thuộc phe chính phủ, còn nghị sĩ Stalin González dẫn đầu nhóm đối lập.
Ông Maduro không nói gì về cuộc đối thoại này trong bài phát biểu trên truyền hình vừa qua, nhưng cho biết Bộ trưởng Rodríguez đang có chuyến công tác “rất quan trọng” ở nước ngoài.
Đợt đối thoại này dường như củng cố thêm tin đồn rằng Mỹ, nước hậu thuẫn chính của phe đối lập Venezuela, trong ngắn hạn có thể không cân nhắc giải pháp quân sự để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Các quan chức Mỹ trước đó nói rằng họ đang tập trung vào các biện pháp ngoại giao và kinh tế để buộc ông Maduro từ chức. Còn lãnh đạo đối lập Juan Guaido nói rằng phái đoàn Mỹ sẽ gặp chỉ huy bộ tư lệnh phía nam của Mỹ trong ngày thứ 2 tới.
Hai bên đang có quan điểm khác xa nhau trong nhiều vấn đề. Phe đối lập cho rằng ông Maduro đắc cử bằng cách gian lận số phiếu trong cuộc bầu cử năm ngoái nên phải từ chức để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Nhưng ông Maduro cáo buộc phe đối lập chỉ là tay sai của Mỹ và có ý định chiếm quyền trái phép.
Đợt đối thoại ở Na Uy lần này diễn ra khi một nhóm quốc gia châu Âu đang chuẩn bị cử phái đoàn cấp cao đến Venezuela để đề xuất giải pháp giải quyết khủng hoảng. Nhóm liên lạc quốc tế sẽ gồm đại diện 8 quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu và 4 quốc gia Mỹ Latin.
Nhóm này được lập nên sau khi ông Guaido tự tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời vào đầu năm nay và thách thức trực tiếp vai trò của ông Maduro.
Phe của ông Guaido được Mỹ và khoảng 50 quốc gia khác công nhận, cho rằng tình hình kinh tế bi đát của Venezuela hiện nay là kết quả của nhiều năm tham nhũng và quản lý yếu kém. Nhưng ông Maduro cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do các biện pháp cấm vận của Mỹ.
Cũng trong ngày 15/5, Mỹ dừng tất cả các chuyến bay chở hàng và thương mại giữa Mỹ với Venezuela, cho rằng những bất ổn và căng thẳng chính trị ở quốc gia này đe dọa các chuyến bay.
Thông báo này của Bộ An ninh nội địa Mỹ ảnh hưởng đến không nhiều chuyến bay giữa hai nước, vì các hãng hàng không Mỹ đã không còn có chuyến bay nào đến Venezuela. Biện pháp này phản ánh quan hệ ngày càng tội tệ giữa chính phủ Venezuela và Mỹ.