Huỳnh Trọng Thông, lão nông viết nên lịch sử của thể thao Phú Yên tại Tiền Phong Marathon 1992

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đến tận bây giờ, nói về điền kinh, người Phú Yên vẫn nhắc về thế hệ từng làm nên lịch sử ở Giải Việt dã báo Tiền Phong 1992 với sự kính trọng. Trong số đó có Huỳnh Trọng Thông, anh nông dân trở thành huyền thoại khi chạy gần 60 cây số mỗi ngày, vừa tranh thủ cấy gặt vừa tập luyện. 
Huỳnh Trọng Thông, lão nông viết nên lịch sử của thể thao Phú Yên tại Tiền Phong Marathon 1992 ảnh 1

Năm 1992, khi Giải Việt dã báo Tiền Phong lần thứ 33 được tổ chức tại Quy Nhơn, Bình Định, hầu hết đều nghĩ rằng đoàn Khánh Hòa sẽ tiếp tục sự thống trị.

Khi còn là tỉnh Phú Khánh (gộp Khánh Hòa và Phú Yên), tuyển điền kinh Phú Khánh đã thường xuyên về nhất đồng đội nam và nhất toàn đoàn, qua đó đoạt Cúp luân lưu vĩnh viễn tới hai lần. Tách tỉnh vào năm 1989, Khánh Hòa với nòng cốt cũ của Phú Khánh vẫn thể hiện sự vượt trội, đứng đầu toàn đoàn và đồng đội nam ở 3 kỳ Giải Việt dã Báo Tiền Phong liên tiếp vào các năm 1989, 1990 và 1991.

Thế nhưng ở giải đấu diễn ra trên đất Bình Định, kết quả khiến tất cả bất ngờ. Tuy Khánh Hòa vẫn nhất toàn đoàn nhưng ở nội dung đồng đội, đứng trên bục vinh danh lại là Phú Yên. Những chân chạy dưới sự hướng dẫn của HLV kỳ cựu Phí Bắc Việt đã thể hiện nỗ lực đáng kinh ngạc và với chiến tích đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, chính thức viết nên lịch sử cho thể thao Phú Yên.

Huỳnh Trọng Thông, lão nông viết nên lịch sử của thể thao Phú Yên tại Tiền Phong Marathon 1992 ảnh 2

Ông Huỳnh Trọng Thông giới thiệu những bằng khen, thành tích từng đạt được trong sự nghiệp điền kinh. (Ảnh: Nhật Huy - báo Phú Yên)

Đến tận bây giờ, nói về điền kinh, người Phú Yên vẫn nhắc nhở về thế hệ năm đó với sự kính trọng. Đó là Đào Thanh Quang, Trần Yên Tịnh, Phan Tấn Cường, Huỳnh Ngọc Hoàng và đặc biệt là Huỳnh Trọng Thông, VĐV Phú Yên cán đích đầu tiên ở Giải Việt dã Báo Tiền Phong 1992 và thứ 4 chung cuộc cá nhân nam tuyển.

Những năm trước đó Huỳnh Trọng Thông thuộc tuyển điền kinh Phú Khánh, là một phần của giai đoạn đỉnh cao. Tuy nhiên vì nặng lòng với gia đình, khi vợ sinh người con út vào năm 1985, ông quyết định giải nghệ, về căn nhà nhỏ ở Chí Thạnh, Tuy An (Phú Yên) và làm ruộng. Bốn năm sau Phú Yên tái lập tỉnh, ông Phí Bắc Việt đã chọn Phú Yên thay vì Khánh Hòa, quyết tâm gây dựng phong trào thể thao đất Phú. Biết tài của Huỳnh Trọng Thông, ông Việt thuyết phục chân chạy đã nghỉ hưu xỏ giày trở lại.

“Anh Phí Bắc Việt có tài mà tâm huyết với thể thao Phú Yên lắm”, ông Thông nói với báo Tiền Phong, “Nghe ảnh nói ‘ra giúp ít năm’, tôi đồng ý liền”. Vậy là chân chạy lúc này đã bước sang tuổi “băm” hào hứng bước ngay vào giải chạy toàn tỉnh. “Lâu lắc rồi không chạy, cũng chẳng tập luyện ngày nào mà tui về thứ tư. Nhiều chiến hữu, anh em sau này không tin, bảo tụi tôi tập luyện thường xuyên còn mệt bở hơi tai, ông không chạy ngày nào mà về thứ tư”, ông Thông kể với tiếng cười sảng khoái.

Huỳnh Trọng Thông, lão nông viết nên lịch sử của thể thao Phú Yên tại Tiền Phong Marathon 1992 ảnh 3

Ông Phí Bắc Việt (ngoài cùng bên trái, hàng đứng) và ông Huỳnh Trọng Thông (đứng kế), hai tên tuổi góp phần gây dựng phong trào thể thao Phú Yên sau ngày tái lập tỉnh. (Ảnh: Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Phú Yên cung cấp)

Sau giải, HLV Phí Bắc Việt cũng nói về giải marathon quốc tế tại Hà Nội vào năm 1993, quy định các VĐV Việt Nam chạy dưới 3 giờ là có thưởng. Ông Thông nhớ lại: “Nghe vậy tui nói với anh Việt, dễ òm, để tui tự tập rồi qua năm ra Hà Nội nhấc thưởng coi”. Ảnh không tin. Vậy là sáng Chủ nhật kiểm tra xong tui xin ảnh về Chí Thạnh cách đó 29km. Chiều tui lại chạy vô Tuy Hòa”.

Ở Phú Yên sau này, chuyện Huỳnh Trọng Thông chạy đi chạy lại giữa hai nơi, Chí Thạnh - Tuy Hòa, với tổng quãng đường 58km, vừa tranh thủ cấy gặt ở nhà vừa tập trung tuyển đã trở thành giai thoại. Trên báo Phú Yên, ông Phí Bắc Việt từng ca ngợi điểm mạnh của Huỳnh Trọng Thông “chính là sức bền”. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh “ý thức kỷ luật trong tập luyện của Thông mới là điều đáng nói, khi luôn hoàn thành giáo án tốt nhất và ghi chép đầy đủ các chỉ số thể lực”.

Tại giải marathon quốc tế năm 1993, Huỳnh Trọng Thông lúc đó 35 tuổi về đích ở vị trí thứ 3 và là người Việt Nam đầu tiên chạm đích. Khi được hỏi bí quyết nào giúp ông đạt được thành tích ấy, chân chạy Phú Yên đáp rằng “nhờ làm nông và lao động”.

Huỳnh Trọng Thông, lão nông viết nên lịch sử của thể thao Phú Yên tại Tiền Phong Marathon 1992 ảnh 4

Ông Huỳnh Trọng Thông khi thi đấu cho đội tuyển điền kinh tỉnh Phú Yên những năm thập niên 1990.

Nói vui vậy, chứ ông cũng tập luyện căng lắm. Như chuẩn bị cho Giải Việt dã báo Tiền Phong năm 1992, ông cho biết “anh em tập luyện suốt trong Tuy Hòa”. “Ngày đó nghe đến giải này là ghê gớm lắm, giải toàn quốc mà, nhiều VĐV xuất sắc từ Hà Nội vào, TP.HCM ra, sôi nổi lắm”, ông Thông cho biết, đồng thời hãnh diện với vị trí nhất đồng đội nam của Phú Yên giải năm đó.

“Lâu quá rồi không nhớ hồi ấy được thưởng gì, chỉ nhớ tụi tui được lên Sở chụp hình rồi phát thưởng, hình như là xe đạp”, ông nói, “Cũng từ giải báo Tiền Phong 1992, tui chạy miết đến năm 2001 mới nghỉ. Có những năm cả 3 cha con cùng chạy, như năm 1999 tại Bà Rịa-Vũng Tàu (giải lần thứ 40)”.

Sau này nghỉ hưu, nhiều năm ông Thông vẫn đứng ra hướng dẫn đội điền kinh của huyện nhà (Tuy An) mỗi lần thi đấu tỉnh. Bây giờ ở tuổi 65, ông chỉ quanh quẩn ở nhà, “cả ngày lu bu với mảnh ruộng, nuôi con bò với đám gà”.

Nghe nói năm nay Tiền Phong Marathon, giải đấu ông từng đứng bục vinh quang, sẽ được tổ chức tại chính quê hương Phú Yên, ông háo hức lắm. “Để tui coi lịch rồi sắp xếp vô coi xem bọn trẻ chạy ra sao”, tượng đài điền kinh đất Phú cười, tiếng cười hào sảng của một lão nông từng viết nên huyền thoại.

MỚI - NÓNG