Đôi dép cao su-biểu tượng lịch sử
Chương trình triển lãm và biểu diễn Huyền thoại bước chân do Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) phối hợp cùng gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân-được gọi “Vua dép lốp” thực hiện. Hai nội dung chính gồm trình diễn nghệ thuật câu chuyện dép lốp Huyền thoại bước chân và hoạt động trưng bày, triển lãm các mẫu dép từ cổ điển đến hiện đại. Phần trình diễn và triển lãm được thiết kế đan xen nhằm khắc họa hình ảnh dép cao su trở thành biểu tượng.
Trình diễn “Huyền thoại bước chân” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Ảnh: KỲ SƠN |
Huyền thoại bước chân là tác phẩm trình diễn kết hợp với trình chiếu và biểu diễn công đoạn làm dép lốp hiện đại lấy cảm hứng từ hình ảnh đôi dép cao su Bác Hồ ra đời năm 1947. Theo dòng lịch sử, đôi dép gắn liền với những dấu mốc vàng son trên hành trình kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta. Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu (hát, múa, nhảy hiện đại, kịch nói) và các tương tác trực tiếp với khán giả, vở diễn là một sáng tạo tập thể của các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện góc nhìn mới về đôi dép cao su lịch sử: “Dép cao su (dép lốp) không chỉ là một biểu tượng chiến thắng của quá khứ, đó còn là một biểu tượng dẫn dắt vào tương lai, là một tác phẩm nghệ thuật đại diện cho căn tính của người Việt về sự bền bỉ, sáng tạo, không ngừng biến đổi để thích nghi”.
Từ đôi dép cao su của Bác Hồ, nghệ nhân chế tạo ra nhiều mẫu dép lốp đa dạng hơn Ảnh: GIA LINH |
Điểm nhấn của vở diễn là tác phẩm Vũ điệu dép lốp được sáng tác dành riêng cho Huyền thoại bước chân, với phần âm nhạc mạnh mẽ, hào sảng và phần động tác được biên đạo trẻ trung, sôi động. Các diễn viên, nghệ sĩ và khán giả sẽ cùng đi dép lốp, cùng hòa mình vào giai điệu và các chuyển động của Vũ điệu dép lốp.
Đôi dép Bác Hồ ra đời vào năm 1947, được chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp-thu được từ cuộc phục kích của bộ đội ta tại Việt Bắc. Nhà tổ chức giải thích về bối cảnh của những đôi dép Bác Hồ: Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, kinh tế gặp khó khăn, cuộc sống vật chất thiếu thốn nên dép cao su được sử dụng rộng rãi từ cán bộ, bộ đội đến nhân dân. Đi giày vừa nặng vừa gặp nhiều phiền toái, nhất là khi hành quân qua địa hình rừng núi, gặp trời mưa giày biến thành cái túi nước dưới chân, là nơi cư trú tốt nhất của các con vắt rừng hút máu. Bởi vậy chiến sĩ thường sử dụng dép lốp (dép cao su) khi hành quân, đánh trận. Khi dùng dép lốp để hành binh mọi việc dễ hơn nhiều. Trời nắng dép nhẹ, dễ di chuyển, trời mưa đường sình lầy thì chỉ cần ít nước rửa bớt bùn là có thể đi tiếp, bởi vậy, dép cao su được coi như chứng nhân của lịch sử, mang linh hồn, hơi thở của thời đại.
Quanh câu chuyện về đôi dép cao su, Bác từng nói vui với các cán bộ trên đường công tác rằng, đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu cũng được. Đôi dép cao su nâng bước chân Người bôn ba suốt 20 năm, đi cả nước ngoài. Bạn bè quốc tế còn gọi đôi dép của Bác với cái tên thân thương: dép Cụ Hồ (Ho Chi Minh Sandals).
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện chương trình, ông Nguyễn Tiến Cường, người điều hành Vua dép lốp cho biết: “Nhân dịp chào mừng Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh mùng 2/9, tôi đã đề xuất làm chương trình Huyền thoại dép lốp. Bởi đôi dép lốp chứa những câu chuyện lịch sử, thông qua chương trình khán giả vừa tham quan, biết về ý nghĩa đôi dép lốp. Đây là lần đầu tiên tổ chức chương trình để mọi người góp ý và tiến đến tổ chức thường niên”.
Đôi dép cao su của thời đại mới
Khán giả thích thú với phần thuyết trình và trình diễn làm dép do nghệ nhân thực hiện. Để làm ra một đôi dép cao su, nghệ nhân hay thợ làm dép sẽ phải thực hiện năm công đoạn: quay lốp thành tấm cao su, khoanh đế dép, khoét đế dép, đục lỗ xâu quai, rút quai dép. Làm dép lốp tưởng đơn giản nhưng để đạt đủ yếu tố bền, thẩm mỹ, tạo cảm giác thoải mái cho người mang đòi hỏi kỹ thuật không đơn giản.
Cho tới ngày nay, dép lốp không chỉ mang câu chuyện lịch sử, mà còn mang những yếu tố của thời đại mới: năng động, trẻ trung, bền bỉ và đặc biệt thân thiện với môi trường. Để phù hợp với thời đại, mang tính trẻ trung, nhà điều hành thương hiệu Vua dép lốp đã có quá trình nghiên cứu, thay đổi dép lốp. “Khi mới tiếp nhận Vua dép lốp, chỉ có dép lốp lịch sử và tôi bảo thủ chỉ đưa ra thị trường những đôi như vậy thôi. Kết quả là không bán được. Vẫn là chất liệu dép lốp nhưng chúng tôi đã làm đa dạng mẫu mã hơn, từ những đôi dép lốp màu đen chúng tôi đã có những đôi dép lốp màu sắc và được mọi người đón nhận. Chúng tôi từng bước sánh vai cùng các nhãn hiệu giày dép thời trang”, ông Nguyễn Tiến Cường nói.
Huyền thoại bước chân được tổ chức theo hướng khai thác lịch sử, sáng tạo, tôn vinh kỹ thuật thủ công của sản phẩm dép cao su (dép lốp) và truyền tải giá trị lịch sử, nghệ thuật, trách nhiệm cộng đồng của những người nghệ nhân làm dép lốp. Những người tổ chức Huyền thoại bước chân mong muốn đây sẽ là một hoạt động thường xuyên tại các địa điểm văn hóa lịch sử như Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cách giáo dục truyền thống này là minh chứng cho sự đổi mới sáng tạo, vừa đạt mục tiêu giáo dục, tuyên truyền về văn hóa, lịch sử cho công chúng, lại vừa mang lại các trải nghiệm đa dạng cho công chúng và du khách tại các di tích, bảo tàng.