Huyện Mê Linh đề xuất cơ chế đặc thù GPMB xây dựng đường Vành đai 4

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về đề xuất, xem xét cơ chế đặc thù đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (qua địa phận huyện Mê Linh).

Theo đó, việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Mê Linh đang gặp một số khó khăn.

Cụ thể, có 9 thửa đất có diện tích còn lại lớn hơn 30m2, không đủ điều kiện được xét tái định cư. Nhưng các thửa đất này có hình thể chéo méo, là hình tam giác, hình thang, mặt tiền hẹp...thực tế không đảm bảo việc xây dựng nhà ở cũng như sử dụng, nếp sinh hoạt của hộ gia đình vùng dân cư nông thôn, sản xuất, có nhiều nhân khẩu sinh sống.

Bên cạnh đó là vướng mắc xây dựng trên đất vườn ao do ông cha để lại.

Theo huyện Mê Linh, hầu hết, các thửa đất trong khu dân cư nông thôn đều có nguồn gốc là đất ông cha để lại, sử dụng từ trước ngày 18/12/1980, có diện tích đất lớn (trung bình gần 500m2), được cấp hạn mức 200m2 đất ở còn lại là đất vườn ao (hạn mức do thời điểm huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, quy định vùng đồng bằng là 200m2, trung du 300m2, miền núi 400m2).

Huyện Mê Linh đề xuất cơ chế đặc thù GPMB xây dựng đường Vành đai 4 ảnh 1

Đường Vành đai 4 qua địa bàn huyện Mê Linh

Trong quá trình sử dụng, các thửa đất này đã tách, tặng cho thành 73 thửa. Có thửa đất khi chia tách toàn bộ diện tích chỉ là đất vườn, ao nhưng đã xây dựng nhà ở 2-4 tầng và công trình phụ trợ.

Do đó, theo UBND huyện Mê Linh, việc áp dụng chính sách về giá đền bù đối với đất vườn thấp/diện tích đất lớn và giá bồi thường công trình trên đất vườn thấp hoặc không được bồi thường, cũng như không được xét tái định cư.

Cuối cùng là vướng mắc liên quan đến xây dựng nhà ở trên vườn, ao (độc lập).

Theo đó, 42 thửa đất cần thu hồi giải phóng mặt bằng, toàn bộ diện tích là đất vườn, ao trong khu dân cư, nguồn gốc là đất ông cha để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân, gia đình đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và xây dựng nhà, công trình phụ trợ, sử dụng ổn định lâu dài (20/42 thửa). Dẫn đến việc áp dụng chính sách về giá đền bù đối với đất vườn thấp/diện tích đất lớn và giá bồi thường công trình trên đất thấp hoặc không được bồi thường cũng như không xét tái định cư. Những vướng mắc lớn này đã dẫn đến việc người dân không đồng thuận giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, UBND huyện Mê Linh kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân.

Cụ thể, UBND huyện Mê Linh kiến nghị Hà Nội cho phép xem xét tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất còn lại sau thu hồi bị méo mó như trình bày trên, xét giao 1 suất đất tái định cư diện tích tối thiểu 80m2. Đồng thời, cho phép huyện Mê Linh xem xét, công nhận lại hạn mức đất ở đối với các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ dự án này).

Kiến nghị cuối cùng của huyện Mê Linh là đề nghị Hà Nội cho phép huyện thực hiện cơ chế đặc thù (thửa đất vườn, ao độc lập), tính chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao thành đất ở với diện tích 1 lần hạn mức giao đất ở tối đa 180m2 và khấu trừ tiền chuyển mục đích tại phương án bồi thường và xét giao 1 suất tái định cư tối thiểu diện tích 80m2.

Thực tế Văn Khê là xã nông thôn, đất vùng bãi, có nhiều thửa đất vườn, ao xen kẽ trong dân cư, có diện tích lớn, đông con... khi tách hộ dẫn đến tách đất cho con xây dựng nhà ở, sinh sống ổn định từ lâu trên đất vườn, ao. Hiện giá bồi thường đất vườn ao thấp, 1.027.000đ/m2, các hộ không đủ tiền nộp để mua tái định cư...

MỚI - NÓNG