Huyền bí tháp Phật Borobudur
Để lên đến đỉnh tháp, Phật tử phải đi qua những hành lang dài, kín tượng trưng cho quá trình tu hành ẩn dật.
Năm 1814, Konilyves, một kiến trúc sư người Hà Lan đã đi sâu vào trong vùng rừng núi Jakarta, Indonesia và tìm ra một công trình vĩ đại: tháp Phật Borobudur bị vùi lấp giữa đất đá và cây cối rậm rạp.
Tháp Borobudur nằm dưới thung lũng núi Kadu, cách thành phố Jakarta 40 km về phía Tây Bắc. Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, là một di chỉ Phật giáo lừng danh đối với các Phật tử trong nước và trên toàn thế giới.
Tháp Phật được xây dựng trên một gò núi, bằng hai triệu viên đá nham thạch từ núi lửa, không có cửa sổ, không có cột trụ, tựa như một phiến đá vuông khổng lồ. Tháp cao 10 tầng, từ đế tháp đến đỉnh tháp là 42m. Vị trí chính giữa ở bốn mặt tháp đều có đường đi lên bằng bậc thang.
Các tín đồ Phật giáo phải đi theo con đường đặc biệt này để lên tháp, đi từ mặt phía Đông vào và vòng theo chiều kim đồng hồ. Lên được đến đỉnh cũng chính là một chặng đường tu hành cả về tinh thần và thể xác.
Cấu tạo tháp là theo thuyết Tam giới của Phật giáo. Tầng móng là Dục giới, từ tầng hai đến tầng bảy là Sắc giới đều là hình vuông tượng trưng cho mặt đất trong quan niệm “Trời tròn, đất vuông”. Tầng tám đến tầng mười là hình tròn, tượng trưng cho miền cực lạc.
Ba tầng này được trang trí 72 tháp nhỏ, mỗi tháp đều có đặt một bức tượng Phật. Phía bên trong tháp là các hành lang uốn khúc, che kín tầm mắt không thể nhìn ra bên ngoài, tượng trưng cho quá trình khổ luyện mật tu của các tín đồ Phật giáo. Phía bên trong có tới 432 bức tượng Phật thần thái phong phú.
Ngày nay, công trình Borobudur đang được trùng tu bởi nhà nước Indonesia và Liên Hợp Quốc để tiếp tục đón các đoàn Phật tử hành hương về xứ Phật.
Theo Xzone