Mới nhất, CLB Quảng Nam đã tiếp tục có văn bản gửi VPF đề nghị dừng giải sớm với lý do khó khăn về kinh tế, dừng giải để tập trung chống dịch và chuẩn bị tốt hơn cho mùa giải năm sau. Chủ tịch CLB bóng đá Quảng Nam Nguyễn Húp nói nếu giải kéo dài tới tháng 12, đội bóng có thể tốn thêm khoảng 5 tỷ đồng.
Người giàu cũng khóc
Quảng Nam không phải đội duy nhất kêu ca về tài chính khi LS V-League phải hoãn vì dịch. Trước đó, SLNA, Nam Định hay Thanh Hoá cũng đã lên tiếng. Ở lần hoãn giải đầu tiên, rất nhiều đội bóng cũng đã phải lên kế hoạch cắt giảm lương, chi phí cho HLV, cầu thủ và cán bộ nhân viên như Tp Hồ Chí Minh, Nam Định, Thanh Hoá...Nhưng tác động của dịch đối với đời sống bóng đá còn lớn rất nhiều, không giới hạn với các đội bóng đá chuyên nghiệp. Mọi “tế bào” của đời sống bóng đá đều bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Nói như giới trong cuộc là giàu “chết” kiểu giàu, nghèo có nỗi khổ kiểu nghèo.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan vẫn được xem là số 1. Giải VĐQG Thái Lan, Thai-League đem về số tiền bản quyền truyền hình lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng LĐBĐ Thái Lan (FAT) mới đây đã phải lên kế hoạch vay tiền FIFA, AFC để sống. VFF không ngoại lệ khi từng phải thực hiện cắt giảm lương cán bộ, nhân viên và hiện đang rất mong đợi số tiền hỗ trợ 1,5 triệu USD từ FIFA.
Tại Việt Nam, một nhân tố mới nhưng lại được nhắc tới khá nhiều gần đây là Next Media (Công ty Cổ phần Giải pháp truyền hình thế hệ mới) với các bản hợp đồng mua độc quyền bản quyền truyền hình V-League. Next Media trong năm 2019 đã mua bản quyền 7 trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và mới đây sở hữu cả bản quyền truyền thông AFF Cup 2020 ở 4 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia. Cả hai giải đấu này đều đã bị hoãn lại, lùi thời gian tổ chức sang năm 2021.
Theo TGĐ Next Media, điều này khiến Next Media trong năm 2020 không còn nguồn thu nào từ việc khai thác quảng cáo với 2 giải đấu trên, trong khi với AFF Cup 2020, tiền mua gói bản quyền đã phải chuyển cho đối tác. Con số thiệt hại theo ước tính là rất lớn, và phía trước đơn vị này đang phải chuyển hướng tập trung vào giải VĐQG Đức Bundesliga, giải đấu họ cũng mới mua bản quyền truyền hình trong 5 năm.
Gánh nặng người nghèo
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ở đợt nghỉ dịch đầu tiên của V-League, có những đội bóng thực hiện cắt giảm lương cầu thủ, HLV và cán bộ nhân viên tới 30%. Với những cầu thủ có lương cao vài chục triệu đồng/tháng, ảnh hưởng trước mắt không quá nặng nhưng nhiều cán bộ, nhân viên ở các CLB với mức lương chỉ trên dưới 5-6 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chịu mức cắt giảm như cầu thủ, tiền lương mỗi tháng vì vậy còn lại không bao nhiêu.
Với những CLB như Quảng Nam, huỷ giải là giải pháp dễ dàng nhất bởi khi đó chắc chắn, các đội bóng sẽ có lý do chính đáng để thực hiện việc cắt giảm lương, thưởng cầu thủ, HLV và người lao động ở đội bóng. Không thi đấu, cầu thủ, HLV cũng khó lòng có thưởng, một nguồn thu khá lớn. Giải kéo dài, sức ép tài chính sẽ tăng lên đối với chủ tịch, lãnh đạo các đội bóng còn giải huỷ, gánh nặng khi đó sẽ dồn lên vai cầu thủ, HLV.
Một cầu thủ Quảng Nam nói rằng lúc này, anh và các đồng đội rất mong được thi đấu thay vì phải nghỉ liên tục không biết khi nào đá lại. Với cầu thủ, tập luyện, thi đấu chính là lao động mà nếu dừng thì gia đình chắc chắn sẽ rơi vào cảnh khó khăn.