Hút sinh viên bằng 'tua trải nghiệm'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một ngày làm sinh viên, tua trải nghiệm tại trường đại học (ĐH) là những hoạt động có ý nghĩa nhằm tư vấn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về ngành, nghề, trước khi đăng ký xét tuyển.

Vừa qua, hơn 700 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có một ngày tham quan, trải nghiệm thực tế mang tên “Oneday in HMU” tại Trường ĐH Y Hà Nội. Bùi Linh Tú, học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm cho biết do nguyện vọng lớn nhất là học ngành Y học cổ truyền tại Trường ĐH Y Hà Nội nên luôn đặt fanpage của trường vào “tầm ngắm”. Khi có thông tin trường mở cổng đăng kí ngày trải nghiệm, Tú đã có cho mình 1 suất trải nghiệm để có thêm nhiều thông tin về ngành học này.

Đây là lần thứ 5 Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức chương trình trải nghiệm. Ngoài tham quan và tìm hiểu các ngành đào tạo, học sinh còn được nghe một số bài giảng căn bản, điển hình về nghề, do các giảng viên của trường đứng lớp. Học sinh được tiếp xúc với các mô hình giống người thật đến 99% tại Trung tâm huấn luyện kỹ năng điều dưỡng, hay tìm hiểu về các dụng cụ phức tạp để khám chữa bệnh Răng, Hàm, Mặt.

Hoạt động này giúp nhiều học sinh nuôi dưỡng đam mê với ngành Y. Sau khi trải nghiệm, học sinh sẽ hiểu thêm ngành Y ngoài khám chữa bệnh còn có các lĩnh vực cận lâm sàng, làm việc trong phòng thí nghiệm. Có em thích nghe thầy cô giảng bài nên đăng ký trải nghiệm hai năm liên tiếp.

Hút sinh viên bằng 'tua trải nghiệm' ảnh 1

Học sinh tham quan Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học, Trường Hóa và Khoa học sự sống của ĐH Bách khoa Hà Nội vừa qua Ảnh: HUST

Ông Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THPT ở trường ĐH xuất hiện khoảng 5 năm trước, sôi động hơn sau dịch COVID-19. Hiện, hầu hết trường ĐH có hoạt động này.

Trước đây, ĐH Bách khoa tổ chức tua một ngày làm sinh viên ĐH Bách khoa chung cho tất cả học sinh, mô hình này hiện được chuyển thành nhà trường đón học sinh từng trường THPT đến tham quan, trải nghiệm. Ví dụ như vừa qua, hàng trăm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chu Văn An và THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội tới tham quan Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học, Trường Hóa và Khoa học sự sống của ĐH Bách khoa Hà Nội. Tại đây, học sinh được làm kit test thử nhanh virus và lên men sinh tổng hợp Beta Carotenoid sử dụng nấm men đỏ. Sau đó, tất cả tham quan hai dây chuyền chế biến rau quả và đồ uống, đánh giá các sản phẩm do trường nghiên cứu.

Các chương trình trải nghiệm tại các trường ĐH có mục tiêu kép là tư vấn, định hướng ngành nghề cho học sinh và đưa hình ảnh trường đến gần học sinh hơn.

Chương trình trải nghiệm của ĐH Bách khoa Hà Nội ra đời từ năm 2019, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và giáo viên trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Các hoạt động trải nghiệm - định hướng là cầu nối để nhiều học sinh đam mê công nghệ và kỹ thuật trở thành sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, thêm quyết tâm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay chương trình một ngày là sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân được tổ chức từ năm 2018. Năm nay, chương trình thu hút sự quan tâm của gần 7.000 học sinh, trong đó có học sinh từ Đắk Lắk ra, học sinh từ Lào Cai, Yên Bái xuống.

Tại chương trình, học sinh được nghe giảng viên giới thiệu về trường, chương trình đào tạo, phương pháp học tập. Đặc biệt, học sinh được ngồi học 1 tiết như anh chị sinh viên… Bên cạnh đó, được tham gia giao lưu, chia sẻ, trao đổi với các sinh viên đang theo học tại trường, làm bài test để lựa chọn ngành học phù hợp với điểm mạnh của bản thân. Đối với mỗi học sinh THPT, việc lựa chọn ngành ở bậc ĐH sao cho phù hợp nhất với sở trường, nguyện vọng của bản thân và xu hướng việc làm trong tương lai là quyết định quan trọng.

Ngoài cho học sinh đến tham quan, các ĐH cũng về từng trường THPT ở các tỉnh để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp theo chương trình riêng hoặc đề nghị hỗ trợ từ các nơi. Như ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp cận được khoảng 30.000 - 40.000 học sinh ở hàng chục trường phổ thông mỗi năm.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.