Hàng nghìn quyển sách quý đã được trao tặng cho sinh viên trường Đại học Kiên Giang
Khơi dậy tình yêu đọc sách
Hành trình nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ các bạn sinh viên, ĐVTN của trường. Mặc dù là ngày chủ nhật, được nghỉ nhưng các bạn tham gia rất đông, cảm động nhất là có nhiều bạn trẻ cách xa TP.Rạch Giá, ở tận vùng miệt thứ xa xôi đã không ngần ngại vượt gần trăm cây số để được trực tiếp nhận những cuốn sách quý này. “Thông qua Đoàn trường, em biết được Hành trình từ trái tim sẽ tổ chức tại trường vào sáng nay. Vì vậy, em chạy xe gắn máy lên trường sớm hơn dự định để được tặng sách", bạn Nguyễn Thị Hồng Lam, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh nói. Hồng Lam quê ở tận miệt thứ 11 của huyện An Minh (Kiên Giang), tiếp giáp tỉnh Cà Mau.
Hồng Lam nghĩ rằng, giá trị vô hình từ sách sẽ khiến cho mình có thêm động lực, tư duy hơn trong quá trình lĩnh hội các bài học; đồng thời, những cuốn sách quý này sẽ là món quà vô giá mà Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ trao tặng nên cần phải giữ gìn thật kỹ vì nó là hành trang giúp mình tự tin vào đời.
Kim Ngân (trái) và Huỳnh Như ngồi đọc sách
Sinh viên đặt câu hỏi giao lưu
Ngồi miệt mài lật từng trang trong quyển sách Đắc nhân tâm, bạn Lê Thị Huỳnh Như, học năm nhất ngành nuôi trồng thủy sản chia sẻ: "Em rất đam mê đọc sách, từ năm lớp 1 đã bắt đầu đọc và hình thành thói quen cho đến giờ. Hôm nay mặc dù ngày nghỉ nhưng em vẫn nán lại tham dự hành trình để xin những quyển sách quý mà Tập đoàn Trung Nguyên Legend trao tặng nhằm bổ sung vào kho sách riêng của mình".
Năm đầu sách mà hành trình mang đến có ý nghĩa vô cùng to lớn giúp sinh viên gần hơn với sách và khơi dậy tình yêu đọc sách. Ngoài ra, Như nghĩ rằng, mình cần phải trang bị kiến thức trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cách vượt qua thất bại từ những quyển sách quý mà Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ lựa chọn để hun đúc ý chí khởi nghiệp làm giàu, góp phần cho quê hương phát triển.
Theo Huỳnh Như, đọc sách giúp cho mình nhiều trong thời buổi công nghệ phát triển, bởi vì phần lớn bạn trẻ lạm dụng vào điện thoại để chơi các trò chơi mà quên đi việc đọc sách truyền tải kiến thức cho bản thân mình. Đồng thời, nếu phân phối thời gian hợp lý giúp cho mình có thêm nhiều kiến thức hơn từ sách, đặc biệt là tự tin hơn trong cuộc sống.
Sinh viên chăm chú đọc sách
Đoàn hành trình chở tri thức đến vùng sâu
Cô gái dân tộc Khmer Thị Kim Ngân, quê ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cũng đang say sưa đọc sách. Nhà Ngân không ruộng đất, hằng ngày mẹ đi làm thuê, còn cha phụ hồ để lo cho Ngân ăn học. Chính vì thế, với cô đọc sách giúp nhận ra điều quan trọng đó chính là "Lẽ sống". "Mình biết phải làm gì để đền đáp lại sự hy sinh, vất vả của cha mẹ dành cho mình hay những người xung quanh quan tâm mình ra sao trong những lúc khó khăn", Ngân bộc bạch rồi cho biết, hiện nay các bạn trẻ có cảm giác nhàm chán đọc sách, thay vào đó là chú tâm vào internet, mạng xã hội nhiều hơn. Chính vì thế, cô muốn gửi gắm thông điệp dành cho các bạn trẻ: "Hãy đọc sách để có kỹ năng cho mình và tìm ra lẽ sống sẽ rất cần thiết và bổ ích".
Tạo cơ hội sinh viên khởi nghiệp
Năm học 2018 - 2019, trường Đại học Kiên Giang đã kết nối nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhiều lượt để phỏng vấn, tuyển dụng sinh viên năm cuối và tổ chức ngày hội việc làm nhằm gắn kết sinh viên vừa tốt nghiệp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Qua các hoạt động đã giúp 51% sinh viên ngay khi tốt nghiệp có việc làm.
Đoàn hành trình len lỏi vào vùng sâu
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiên Giang cho biết, Hành trình từ trái tim - Hành trình lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc có ý nghĩa vô cùng to lớn, đáp ứng khung trình độ Quốc gia được Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016. Khung chương trình này quy định rõ chuẩn đầu ra của trình độ đại học cần có "kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác". Hành trình mang đến giúp nhà trường tập trung hơn trong công tác huấn luyện, tạo lập kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Hiện nay, trường đang xây dựng góc khởi nghiệp, hình thành câu lạc bộ khởi nghiệp và đưa vào hoạt động trong năm học 2019 - 2020.
TS Khanh cho rằng, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ giúp sinh viên khởi nghiệp. Khởi nghiệp không phân biệt độ tuổi nhưng theo ông thì càng trẻ khởi nghiệp càng tốt và dễ thành công hơn. Bởi vì tuổi trẻ ai cũng có ước mơ, hoài bão, ai cũng có khát vọng muốn được thể hiện và cống hiến. Đặc biệt, các bạn đang ngồi trong giảng đường đại học. Tri thức chuyên ngành các bạn tiếp thu được, nếu cộng với sự hỗ trợ mãnh liệt của bản thân, chắc chắn sẽ đạt được ước mơ, hoài bão của mình.
Bên cạnh đó, sinh viên đừng nghĩ ngành của mình khó khởi nghiệp, bởi vì tất cả các ngành đều có thể khởi nghiệp được. Khởi nghiệp từ mọi nơi, mọi hướng nhưng theo tôi thì sinh viên nên khởi nghiệp ngay trong lòng doanh nghiệp. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện giúp các em sớm tiếp cận doanh nghiệp để thực hành, trải nghiệm và tạo cơ hội cho các em lựa chọn con đường khởi nghiệp cho riêng mình. "Hôm nay khó khăn, ngày mai còn khó khăn hơn nhưng ngày kia sẽ là ngày tuyệt vời nếu như dám bắt đầu, hay nói khác hơn là dám khởi nghiệp. Chúng ta hãy hành động với một tư duy mở, có vậy các em mới xem thất bại là cơ hội phát triển bản thân và thành công của người khác sẽ truyền cảm hứng để các bạn vươn lên", TS. Khanh khuyên sinh viên trường mình.