Huế còn bao nhiêu 'của để dành'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cách đây chưa lâu, UBND tỉnh TT-Huế công bố danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế. Đây được xem là những di sản kiến trúc văn hóa cần gìn giữ, “để dành” cho muôn đời sau.

Tuy nhiên, với việc chỉ có 27 công trình được đưa vào danh mục, đã có nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là hình thức dọn đường để “xóa sổ” những công trình có giá trị khác, vì bản danh sách này còn quá thiếu.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh TT-Huế, từng nêu ý kiến, trong danh sách được công bố, có nhiều công trình chưa chuẩn xác. Còn nhiều công trình mang tính tiêu biểu của kiến trúc Pháp nhưng lại “lọt” khỏi danh sách. Điển hình như biệt thự cổ ở số 26 Lê Lợi (Huế), từng là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh.

Huế còn bao nhiêu 'của để dành'? ảnh 1

Dù không có tên trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, nhưng nhà 26 Lê Lợi sẽ được bảo tồn, hoặc phục dựng nguyên mẫu

Dư luận nghi ngại, việc “triệt hạ” một số công trình kiến trúc Pháp cổ nằm ngoài danh sách, đáng chú ý là ngôi biệt thự Pháp cổ tại 26 Lê Lợi, sẽ xảy ra. Bởi khu đất có ngôi biệt thự cổ này từng được tính toán giao cho doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại.

Sau một thời gian lắng nghe dư luận, đầu năm 2022, lãnh đạo tỉnh TT-Huế đã quyết định giữ lại ngôi biệt thự cổ 26 Lê Lợi, với mong muốn lưu giữ hình ảnh cho đô thị Huế trong quá trình phát triển. Để giữ gìn ngôi biệt thự cổ, lãnh đạo tỉnh đưa ra ý tưởng thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TPHCM ra khảo sát, nghiên cứu, thực hiện di dời công trình đến một vị trí khác cạnh sông Hương, cách nơi cũ không xa, do khu đất 26 Lê Lợi dành để triển khai dự án kinh tế. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cho biết, ngôi biệt thự tại 26 Lê Lợi mặc dù không có tên trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu diện bảo tồn, tôn tạo tại Huế, nhưng tỉnh vẫn quyết định giữ lại.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh TT-Huế, cho rằng, đây là một quyết định đúng và kịp thời. “Đây là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa, là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất TP Huế. Chọn phương án di dời biệt thự Pháp đến vị trí khác, thay vì đập bỏ theo tôi là câu chuyện rất mới, rất đáng ghi nhận và ủng hộ”, ông Ngọc chia sẻ.

Danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế, bao gồm 11 công trình do các cơ quan nhà nước quản lý: Văn phòng Đại học Huế, Bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học trường tiểu học Lê Lợi, dãy lớp học A&B trường đại học Khoa học Huế, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival Huế, Sân vận động Tự Do. Còn lại 16 công trình thuộc sở hữu của các tổ chức, gồm: Ga Huế, khách sạn Sài Gòn Morin, nhà hàng Festival Huế, khách sạn La Residence Hue Hotel & Spa, khách sạn Le Domaine de Cocodo, nhà máy nước Vạn Niên, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam, nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, tòa Tổng Giám mục Huế, tu viện Thánh Tâm, Đại chủng viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đan viện Carmel Huế, nhà thờ Phanxico, nhà nguyện Hội dòng Thánh Phao Lô.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.