Huawei cho biết, họ đã gửi đơn khiếu nại tới tòa án liên bang tại Texas nhằm thách thức tính hợp hiến của Mục 889 của Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia của Mỹ (NDAA) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 8 năm ngoái. Mục này cấm các cơ quan chính phủ, các nhà thầu của Mỹ mua các thiết bị và dịch vụ của Huawei.
Ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên Huawei nói trong một tuyên bố: “ Quốc hội Mỹ đã nhiều lần không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về các hạn chế của mình đối với các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý này như một biện pháp phù hợp và cuối cùng”.
Ông cho biết thêm, lệnh cấm này không chỉ là bất hợp pháp, mà còn hạn chế Huawei tham gia vào cuộc cạnh tranh công bằng, và cuối cùng làm hại tới người tiêu dùng Mỹ.
“ Chúng tôi mong chờ vào phán quyêst của tòa án và tin rằng nó sẽ mang lại lợi ich cho cả Huawei và người dân Mỹ”, ông Guo Ping nói.
Trong khi Huawei chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường viễn thông của Mỹ trước khi dự luật thông qua, nhưng họ đã xem Mục 889 như một trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề rộng lớn hơn với Washington vì sự tồn tại của đạo luật này ngăn cản bước tiên của Huawei.
Ông Guo Ping cho rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm NDAA sẽ mang lại cho chính phủ Mỹ sự linh hoạt cần thiết để làm việc với Huawei và giải quyết các vấn đề bảo mật thực sự.
Huawei bắt đầu lên tiếng trước công luận và có các hành động pháp lý hai tháng gần đây kể từ khi Washington vận động các đồng minh từ bỏ Huawei khi xây dựng mạng di động thế hệ thứ năm (5G) và nhấn mạnh vào vào luật năm 2017 của Trung Quốc yêu cầu các công ty hợp tác với công tác tình báo quốc gia.
Người sáng lập và Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi cho biết, Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
Các hành động pháp lý và tiếp cận quan hệ công chúng của Huawei này được coi là phản ứng mạnh của Huawei kể từ khi Phó Tổng giám đốc của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Vancouver, Canada theo đề nghị của Mỹ.
Hành động pháp lý mới nhất này diễn ra trong bối cảnh bà Mạnh đã phải xuất hiện tại tòa ngày hôm qua, 6/3.
Trong một diễn biến khác, ngày 5/3, bà Mạnh Vãn Châu, người đang chiến đấu với lệnh dẫn độ của Mỹ, đã đâm đơn kiện chính phủ Canada vì các sai phạm thủ tục trong vụ bắt giữ cô.