Hợp thức hóa xăng dầu lậu rất dễ

Hợp thức hóa xăng dầu lậu rất dễ
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 4-9, ông Nguyễn Văn Cẩn (ảnh), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, “thông qua hình thức tạm nhập tái xuất, các đầu nậu dễ dàng ngụy trang cho việc buôn lậu xăng dầu trên biển”.

> Sẽ giảm thuế nếu giá xăng dầu diễn biến phức tạp

Theo ông Cẩn, qua kiểm tra, rà soát, Tổng cục Hải quan đã phá một số vụ án liên quan kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất. Gần đây, là vụ bắt quả tang một tàu Trung Quốc chở 2.000 tấn xăng tái xuất sang 3 tàu Việt Nam để tiêu thụ nội địa.

Trước đó, cơ quan hải quan cũng bắt giữ nhiều tàu chở xăng dầu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An... “núp danh” tạm nhập tái xuất, nhưng không thực xuất.

Qua một số vụ buôn lậu kể trên, ông đánh giá như thế nào về cách thức buôn lậu xăng dầu qua hình thức tạm nhập tái xuất?

Trong vụ án tàu chở 2.000 tấn xăng, điều tra ban đầu cho thấy, Cty xăng dầu hàng không là đơn vị làm thủ tục tạm nhập tái xuất lô hàng trên (nhập từ Singapore, xuất bán sang Trung Quốc).

Nhưng sau khi làm thủ tục tái xuất, tàu Giang Châu chạy ra ngoài biển, tự ý phá kẹp chì niêm phong và bơm xăng sang 3 tàu của Việt Nam để đem đi tiêu thụ nội địa.

Đây là hình thức buôn lậu xăng dầu nhằm trốn thuế nhập khẩu. Nếu trót lọt, chủ buôn lậu hưởng lợi khoảng 10 tỷ đồng mỗi chuyến.

Buôn lậu xăng dầu qua con đường tạm nhập tái xuất đã diễn ra từ lâu, nhưng dường như số vụ bị phát hiện, bắt giữ lại quá ít ỏi. Vì sao vậy, thưa ông?

Việc hợp thức hóa xăng dầu lậu qua con đường tạm nhập tái xuất rất dễ. Nguyên nhân chính là do sơ hở của chính sách về tạm nhập tái xuất, trong đó quy định thời gian tạm nhập và tái xuất quá dài tới 120 hay 180 ngày.

Do đặc thù của xăng dầu tạm nhập về được đổ chung vào bồn chứa nên không thể phân biệt rành mạch hàng nào xuất đi, hàng nào tiêu thụ nội địa, thời gian tái xuất…

Khi làm thủ tục tái xuất, việc kiểm tra cũng tùy từng lô hàng, vì có lô hàng được miễn kiểm tra.

Khi chở hàng, các chủ tàu lậu có nhiều thủ đoạn như tàu có hai quốc tịch (tàu Giang Châu bị bắt mang quốc tịch Trung Quốc và Campuchia), 2 biển số, tắt tín hiệu khi đang hành hải, không tuân theo quy định của hàng hải quốc tế…Trong các vụ buôn lậu xăng dầu tại Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng… còn phát hiện, một số tàu có thêm các ngăn chứa “bí mật” để chứa lượng dầu lậu kèm theo lượng hàng hợp pháp.

Sẵn sàng hợp thức hoá

Tàu Giang Châu (Trung Quốc) bị bắt quả tang khi đang bơm 2.000 tấn xăng A92 (hàng tái xuất) sang 3 tàu của Việt Nam để tiêu thụ nội địa
Tàu Giang Châu (Trung Quốc) bị bắt quả tang khi đang bơm 2.000 tấn xăng A92 (hàng tái xuất) sang 3 tàu của Việt Nam để tiêu thụ nội địa.
 

Được biết, có tình huống, lực lượng kiểm tra đã bắt giữ tàu xăng dầu lậu, nhưng chỉ vài giờ sau, công ty phía Việt Nam đã xuất trình chứng từ hợp pháp của lô hàng nên phải thả tàu. Có việc này không thưa ông?

Đúng. Các vụ án trên là do chúng tôi bắt được quả tang khi đối tượng buôn lậu đang phá kẹp chì, bơm xăng dầu sang các tàu con. Nếu không bắt được quả tang, thì họ đã có sẵn bộ chứng từ thật (được quay vòng-PV) để hợp thức hóa nguồn gốc hàng.

Trên tàu, luôn có sẵn bộ hóa đơn chứng từ khống mua của một công ty phía Việt Nam được phép nhập khẩu xăng dầu và tiêu thụ nội địa. Khi thấy lực lượng kiểm tra, họ sẽ điền số liệu vào giấy tờ. Nếu bộ hóa đơn, chứng từ là thật, thì ai dám giữ tàu, hàng của họ?

Như vậy, phải có sự móc nối giữa đối tượng buôn lậu và công ty kinh doanh xăng dầu của Việt Nam. Cho đến giờ, Tổng cục Hải quan đã phát hiện ra các công ty xăng dầu nào tham gia buôn lậu theo hình thức này?

Hiện nay, cơ quan điều tra đang làm rõ điều này. Trong vụ bắt giữ 2.000 tấn xăng lậu đã phát hiện là giấy tờ tạm nhập tái xuất của Cty xăng dầu hàng không. Cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can (thuyền trưởng, thuyền phó…) để điều tra làm rõ. Chúng tôi đang tập hợp danh sách, số liệu về các công ty có nghi ngờ tham gia vào việc hợp thức hóa xăng dầu lậu và sớm công bố thông tin cho báo chí.

Qua tìm hiểu, có một đường đi khác của xăng dầu lậu là gửi hàng vào kho của một doanh nghiệp xăng dầu nhà nước, từ đó, hợp thức hóa nguồn gốc hàng để bán nội địa. Ông có biết không?

Phải có chứng cứ cụ thể, từ đó mới có phương án điều tra, bắt giữ quả tang trước khi các đối tượng kịp hợp thức hóa chứng từ lô hàng.

Không đánh giá được lượng xăng dầu buôn lậu

Vì sao cơ quan hải quan không kiểm tra, đối chiếu số liệu xăng dầu trên giấy tờ và hàng trong kho?

Kiểm tra thế nào? Vì sổ sách của họ lúc nào cũng khớp số liệu, chứng từ hợp pháp khi tạm nhập và tái xuất. Xăng dầu về đến kho doanh nghiệp là quyền của họ.

Việc kiểm tra có phải của cơ quan hải quan đâu? Mà phải là cơ quan điều tra, quản lý thị trường, thanh tra… kiểm tra. Chỉ khi nào doanh nghiệp đó có liên quan đến vụ án thì hải quan mới xác minh và phải có cơ sở, căn cứ rõ ràng.

Trước thực trạng trên, Tổng cục hải quan có biện pháp gì để giám sát doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu để buôn lậu?

Chúng tôi không thể đánh giá được lượng xăng dầu lậu bao nhiêu, chỉ vụ nào bắt được thì xử lý thôi. Hiện nay, chúng tôi đang tập hợp số liệu về các doanh nghiệp tạm nhập xăng dầu, lượng hàng tái xuất, lượng hàng nộp thuế và tiêu thụ nội địa (được phép), lượng hàng tồn kho…

Việc giám sát phải theo quy trình thủ tục, lô nào kiểm tra 100%, lô nào theo quy trình quản lý rủi ro… Khi bắt được tàu buôn lậu, sẽ khởi tố, thu giữ tang vật là tàu, xăng dầu và bán sung công quỹ. Tùy theo mức độ, có thể xử lý hình sự.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Thủ tướng, kiến nghị xem lại cơ chế chính sách đối với tạm nhập tái xuất, trong đó có mặt hàng xăng dầu.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương có thông báo tạm dừng tạm nhập tái xuất đối với xăng dầu đường biển. Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách liên quan đến hình thức kinh doanh này.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 28-7-2012, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung đã bắt quả tang tàu Giang Châu (của Cty TNHH Hồng Phát, Trung Quốc) đang bơm 2.000 tấn xăng A92 (hàng tái xuất) sang 3 tàu Việt Nam của Cty TNHH Hoàng Sơn (trụ sở tại Thanh Hóa) để tiêu thụ nội địa.

Lô hàng này do Công ty Xăng dầu Hàng không mua từ Singapore và bán cho Cty Hồng Phát, khai báo hải quan theo hình thức tạm nhập tái xuất. Cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng…và hiện đang điều tra, làm rõ hành vi sai phạm.

 

Thu Hằng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.